U tịch đền Cao trên núi Thiên Bồng
Thứ hai, 12:48, 05/09/2022 Hải Huyền Hải Huyền
VOV4.VN - Nằm trong quần thể khu di tích đền Cao thờ 5 vị tướng họ Vương đã có công lớn trong cuộc kháng chiến chống quân Tống xâm lược, đền Cao tọa lạc tại phường An Lạc, TP Chí Linh, Hải Dương.

Giữa cánh rừng lim cổ thụ trăm tuổi trên đỉnh núi Thiên Bồng, đền Cao là nơi thờ Vương Đức Minh - Thiên Bồng Đại tướng quân Đại vương.

Vẻ đẹp thâm nghiêm của đền Cao

Trích trong “Ngọc phả di tích Đền Cao” có ghi chép: Vào thời Đinh, ở trang Thạch Truyền, huyện Nga Sơn, Thanh Hóa, có một gia đình nổi tiếng về đức hạnh. Ông là Vương Đức Tĩnh, bà là Đào Thị Thanh. Vợ chồng thương yêu nhau nhất mực. Họ thường làm nhiều việc phúc đức giúp người đời.
Sinh sống ở quê đã 3 – 4 năm mà chưa có con. Ông bà bàn nhau, rồi tìm nơi dựng nghiệp. Đi được ít ngày, đến Dược Đậu Trang, huyện Bàng Châu, Phủ Nam Sách, trấn Hải Dương (nay thuộc phường An Lạc, TP Chí Linh, Hải Dương), thấy địa thế phồn vinh, dân cư hưng thịnh, vợ chồng bàn nhau định cư tại đây.
Vào một đêm thanh vắng, bà nằm mộng thấy một người uy phong, lẫm liệt truyền rằng: “vợ chồng nhà ngươi ăn ở phúc đức, tấm lòng thấu tận trời xanh. Nay trời sẽ ban cho cả nam thanh, nữ tú”. Thời gian thấm thoát, bà mang thai. Khi thai nghén đủ tháng, đủ ngày bà sinh “một bọc 5 trứng. 3 trứng vàng sinh ra 3 người con trai, 2 trứng xanh sinh ra 2 người con gái”. Trai có tướng mạo uy phong như rồng hổ, gái có da trắng như tuyết, môi đỏ như son, vẻ đẹp làm nguyệt tủi, hoa hờn.

Sân đền được che mát bởi những tán cây lim cổ thụ

Ông bà đặt tên cho người con trai trường là Vương Đức Minh; con trai thứ hai là Vương Đức Hồng; con trai thứ 3 là Vương Đức Xuân, con gái thứ 4 là Vương Thị Đào; con gái thứ 5 là Vương Thị Liễu. 
Năm 12 tuổi, 5 anh em được đi học. Đến năm 18 tuổi, văn võ song toàn. Năm ấy, ông bà về thăm quê hương, khi đi qua sông gặp con sóng to gió lớn, thuyền lật úp cả hai ông bà đều mất.
Bấy giờ nhà Đinh đã mạt, nhà Tiền Lê lên thay. Giặc tống tràn qua biên ải vào xâm lược nước ta. Trước thế đó, vua Lê Hoàn cho kêu gọi người hiền tài ra giúp nước và cử giá tiến quân. Khi qua đất Bàng Châu, Hải Dương thấy địa thế núi non hiểm trở “Tiến có thể đánh, lui có thể giữ” liền lập đại bản doanh ở gần chợ Đậu. 
Một hôm, năm anh em đi ngang qua hành doanh của Vua, thấy có vẻ oai phong lẫm liệt liền phong chức Quyền Chưởng Trung Hoa Đại Tướng cho 3 người anh trai, phong cho hai em gái chức Mẫu Nghi Chí Tôn Thiên Hạ rồi thay thánh giá cầm quân giết giặc. Hai tướng giặc Quách Tiến, Hầu Nhân Bảo bị chém đầu tại trận. Quân ta đại thắng, đất nước thanh bình. 
Sau khi thắng trận đoàn quân hành binh về Dược Đậu Trang. Vua cho ăn mừng 7 ngày và cử binh hồi triều. Năm anh em xin ở lại để chịu mãn tang cha mẹ.
Một hôm giông tố nổi lên, sấm chớp ầm ầm sáng rực cả một vùng Dược Đậu Trang năm anh em đã hóa. Nhân dân lập biểu tấu trình đức Vua. Thương xót, vua cho lập miếu, xây mộ. Cắt cho 24 mẫu ruộng Công Điền và 800 quan tiền để lo việc thờ, cúng. Cho phép nhân dân An Lạc muôn đời thờ phụng khói hương. Cho tế lễ từ ngày 21 đến ngày 25 tháng Giêng hàng năm và phong phúc thần thượng đẳng. Hiện nay, khu di tích Đền cao còn giữ được 13 đạo sắc:
Vị thứ nhất được phong: Thiên Bồng Đại Tướng Quân Đại Vương
Vị thứ hai được phong: Anh Vũ Dũng Lược Đại Vương
Vị thứ ba được phong: Dực Thánh Linh Ứng Đại Vương
Vị thứ tư được phong: Đào Hoa Trinh Thuận Công Chúa
Vị thứ năm được phong: Liễu Hoa Linh Ứng Công Chúa
Được xây dựng từ thế kỷ X, trải qua nhiều lần trùng tu, đền Cao vẫn giữ được nét uy nghi, u tịch giữa rừng cây cổ.

Cổng chính vào đền

Bước vào khuôn viên của đền, đi lên những bậc gạch giữa lùm cây xanh, không khí trở nên vô cùng dịu mát

Trước sân đền có voi chầu, ngựa chầu bằng đá. Trong nắng chiều, vẻ đẹp của đền Cao hiện lên với dáng vẻ cổ kính, uy nghiêm.  

Mái ngói rêu phong vùng hoa văn trạm rồng trang trí và trên đỉnh đền là phù điêu lưỡng long chầu mặt trời

Cửa gỗ ra vào đền với những hoa văn tinh xảo đã nhuốm màu thời gian

Được biết, kiến trúc còn lại bây giờ là kiến trúc thời Nguyễn theo kiểu chữ Đinh: 3 gian tiền tế, 2 gian trung từ, 1 gian hậu cung

Trong đền còn lưu giữ nhiều đồ thờ tế tự giá trị, với những bức hoành phi, câu đối thể hiện công lao to lớn của vị thánh được phụng thờ nơi đây. 

Phù điêu trạm nổi trên tường bên ngoài đền

Lim cổ thụ bao bọc lấy đền Cao. Nơi đây có 54 cây lim đại thụ

Phía sau ngôi đền, dưới tán lim là ngôi mộ cổ

Lim cổ thụ tại đền Cao đã được vinh danh là “Cây di sản Việt Nam”. Cùng với đó, đền cao còn giữ được lễ hội cổ truyền tổ chức vào ngày 21 - 25 tháng Giêng âm lịch hàng năm với nhiều trò chơi dân gian như cướp cờ, vật, kéo co, cờ người, thi bánh dày...

Lâm Thanh/VOV4


Hải Huyền

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC