VOV4.VOV.VN - Lăng Thoại Ngọc Hầu thuộc phường Núi Sam, thành phố Châu Đốc, An Giang. Đây là nơi an nghỉ của danh thần Nguyễn Văn Thoại cùng hai phu nhân.
Ông Thoại Ngọc Hầu tên thật là Nguyễn Văn Thoại. Sinh năm 1761 – 1829. Quê quán huyện Diên Phước, tỉnh Quảng Nam. Ngày nay thuộc quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng.
Do được chúa Nguyễn phong tước Hầu nên được gọi là Thoại Ngọc Hầu hay Bảo Hộ Thoại vì ông đã nhiều lần bảo hộ vua đi xứ sang Xiêm. Trong thời kỳ loạn lạc, ông theo gia đình vào nam sinh sống ở Cù Lao Dài, ngày nay thuộc tỉnh Vĩnh Long.
Ông được chúa Nguyễn phong trấn thủ Vĩnh Thanh và ông có rất nhiều công lao trong việc khai hoang, đắp đường, bảo vệ và phát triển biên giới Tây Nam này.
Ông giữ rất nhiều chức vụ, chẳng hạn chức Khâm sai bình tây thượng đạo tướng quân, Khâm sai thống chế án thủ Châu Đốc đồn, Lãnh bảo hộ Cao Miên Quốc Ấn, kiêm quản Hà Tiên trấn biên vụ.
Không chỉ giữ nhiều chức vụ quan trọng trong triều đình nhà Nguyễn, Thoại Ngọc Hầu cũng để lại cho đời nhiều công trình lớn vẫn còn nguyên giá trị cho đến ngày hôm nay. Như chỉ huy đào kênh từ Rạch Đông Xuyên, tức từ Long Xuyên đến hệ thống thủy đạo của Rạch Giá dài 30km.
Khi hoàn thành con kênh đó, ông được vua Gia Long khen ngợi và cho phép lấy tên ông đặt tên cho kênh là kênh Thoại Hà. Ngọn núi Sập ở gần đó đặt là Thoại Sơn.
Hoàn thành kênh Thoại Hà, vua Gia Long cho đào kênh từ Châu Đốc đến Hà Tiên dài 90km. Công cuộc này diễn ra trong 5 năm (1819 - 1824), huy động khoảng 80.000 nhân công là quân sĩ, người dân...
Chánh phu nhân của ông Thoại Ngọc Hầu là bà Châu Thị Tế đã có công hỗ trợ phu quân mình trong công cuộc đào kênh này. Bà đã đôn đốc dân quân và lo hậu cần cơm, nước, thuốc thang cho những người đào kênh đó. Thành ra, vua Minh Mạng mới cho phép lấy tên bà đặt tên cho con kênh là kênh Vĩnh Tế, và ngọn núi Sam là Vĩnh Tế Sơn.
Ngoài ra vua cho khắc hình con kênh Vĩnh Tế trên cao đỉnh, là chiếc đỉnh đầu tiên trong cửu đỉnh được đặt ở Huế, với dòng chữ là Vĩnh Tế Hà.
Những công trình đó có giá trị to lớn về mặt kinh tế, giao thông, biến vùng đất hoang vu miền biên ải thành những nơi trù phú và khẳng định chủ quyền đối với đất nước, nên ông được người dân vùng Châu Đốc, An Giang kính trọng, tưởng nhớ. Lăng Thoại Ngọc Hầu cũng chính là nơi ghi dấu tình cảm của nhân dân trong vùng dành cho ông.
Viết bình luận