Con gái người điên bươn chải để học
Thứ năm, 00:00, 25/08/2016 Hà 2 ảnh Hà 2 ảnh

(VOV4) - Mạc Thị Hiến hiện đang là sinh viên năm thứ 2 Đại học Luật Hà Nội. Em có một hoàn cảnh thật ngang trái: mẹ bị bệnh tâm thần, em không biết bố là ai. Từ vùng núi cao xuống học ở Hà Nội, cô gái 19 tuổi này phải tự bươn chải để kiếm tiền ăn học.

 

Mạc Thị Hiến là người Nùng, ở bản Pắc Bó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng.


Dáng người nhỏ nhắn, khuôn mặt hơi gầy và khá dễ thương, đôi mắt hơi buồn nhưng đầy nghị lực, Mạc Thị Hiến gây ấn tượng với người đối diện bằng sự giản dị, chân thành của em. Có ai ngờ rằng cô gái bé nhỏ ấy lại kiên cường đến thế. 1 năm  đại học vừa qua với em là một thử thách quá lớn. Từ miền núi cao về Hà Nội, quá bỡ ngỡ, lạc lõng, không được ai chu cấp tiền ăn học, em phải ngay lập tức tìm việc làm thêm. Lúc đầu, em chạy bàn cho một quán lẩu từ 6 giờ đến 11 giờ khuya. Sau đó, do phải học tín chỉ, giờ giấc không cố định, em bị mất việc. Và em  quay sang đi làm giúp việc gia đình. Nhưng chẳng được lâu, gia đình đó không cần em nữa. Hiến đang rất lo lắng không biết năm thứ 2 này lấy tiền đâu để ăn học.

 

Nhắc đến mẹ, em nghẹn ngào: “Gọi điện cho mẹ, nhờ mợ hoặc bạn trên nhà, Mẹ nói thì nghe thấy tiếng của mẹ thôi vì nói chuyện với mẹ qua điện thoại thì khó vì mẹ không biết dùng điện thoại. Nói chuyện với bạn, bạn nói với mẹ thì nghe tiếng mẹ. Mẹ ở một mình, những lúc trái gió trở trời mẹ chửi bới lung tung...”.

 

 

Căn chòi giữa đồng, nơi mẹ của Mạc Thị Hến đang ở

 

Khi sinh ra, Hiến đã không biết bố là ai. Mẹ bị tâm thần từ khi em chưa chào đời. Chính mẹ cũng không biết bố là ai thì làm sao em biết được? Vậy mà oái oăm thay, không hiểu vì cái quan niệm cổ hủ của người Nùng quê em “đàn bà không chồng mà có con”, hay vì bệnh tâm thần của mẹ làm gia đình xấu hổ với bà con dân bản, mà khi mẹ Hiến có Hiến thì ông bà ngoại đuổi 2 mẹ con ra khỏi nhà. Mẹ lên cơn điên liên tục, không nuôi được Hiến, cậu mợ thấy vậy bèn đưa Hiến về nuôi.

 

Cô Hoàng Thị Lan, cô giáo chủ nhiệm suốt 3 năm cấp ba của Hiến ở Trường Dân tộc Nội trú tỉnh Cao Bằng kể lại như vậy. Với Hiến, cô là người mẹ thứ hai. Khi còn học ở trường, cô luôn giành tình yêu thương cho em, quan tâm, chăm sóc em. Còn em, tất cả mọi chuyện của bản thân và gia đình, em đều chia sẻ với cô. Cách đây không lâu, Ngân hàng Viettinbank hỗ trợ kinh phí để xây cho mẹ một căn nhà nhỏ. Nhưng với người mẹ tâm thần tội nghiệp của em, ngày cũng như đêm, nằm đất cũng như nằm giường, bởi vậy, bà dứt khoát không chịu rời cái lán rách nát và tồi tàn của mình.

 

Tuy nhiên, bà cũng nhận biết được rằng mình có một đứa con gái nhỏ là Hiến. Nhưng chính điều này lại làm khổ cô gái. Khi Hiến đủ tuổi đi học, cậu mợ cho em đi học ở ngay trong xóm. Người đàn bà lúc tỉnh lúc mơ ấy đến tận trường đập phá không cho em học, vì bà tưởng rằng người ta đem con của bà đi. Hiến chỉ biết khóc. Các bạn thì trêu trọc em là “con của bà điên”. Vậy là cậu mợ buộc lòng phải cho em xuống xã để học.

 

 

Mẹ con Hiến trong căn lán rách nát

 

Gia đình Hiến thuộc diện nghèo. Cậu mợ cưu mang em, nhưng gia cảnh cậu mợ cũng có khấm khá gì đâu. Cả nhà chỉ biết trông vào ruộng lúa, nương ngô. Bởi vậy những năm tiểu học, nhịn đói với Hiến là chuyện thường ngày. Nhưng đói bụng không khổ tâm bằng việc nhìn thấy các bạn có bố yêu thương, chăm sóc, còn em chỉ có mẹ, mà mẹ đâu có đủ tỉnh táo để quan tâm, chăm lo cho em?

 

"Những lúc trái gió trở trời là căn bệnh hành hạ mẹ nhiều nhất. Lúc ấy, em chỉ biết nhìn mẹ và khóc. Đi học xa nhà, suốt những năm phổ thông, em luôn tự dằn vặt mình vì phải học mà chưa làm tròn bổn phận của con. Nhiều lúc em định bỏ học để về với mẹ. Nhưng rồi, lớn dần lên, được sự an ủi, động viên của các thầy giáo, cô giáo, em hiểu được rằng: chỉ có con đường học tập mới giúp em thoát cảnh đói nghèo, sau này mới có cơ hội và điều kiện để chăm sóc mẹ..." - Hiến nói.

 

Cô giáo Lan kể: từ lớp 10, Hiến đi thi học sinh giỏi văn vượt cấp lớp 12 và đoạt giải. Lớp 11, 12, Hiến là học sinh giỏi cấp tỉnh môn ngữ văn. Nhà trường luôn lấy em là tấm gương để các bạn khác học tập. Tôi cũng lấy em làm gương cho học sinh ở những lớp tôi chủ nhiệm các năm tiếp theo.

 

Mạc Thị Hiến nuôi ước mơ trở thành cô giáo dạy văn. Nhưng em buộc phải từ bỏ ước mơ và quyết tâm thi đỗ Đại Học Luật Hà Nội chỉ vì biết rằng, tại đây, sinh viên thuộc hộ nghèo như em được miễn học phí: "Ở trường sư phạm nhiều hoạt động phải nộp tiền, cháu đi học không ai nuôi ăn học, cháu chỉ có thể lo được tiền sinh hoạt phí của mình, chứ không thể lo được các khoản nộp khác, như thế sẽ rất khó khăn với cháu. Cho nên sau khi tìm hiểu, nghe sự góp ý của mọi người quyết định đi học luật".

 

Mối quan tâm nhất hiện nay của Hiến là làm sao tìm được một công việc ổn định, phù hợp với khả năng và thời gian học tập, thu nhập đủ để trang trải cuộc sống và việc học của mình.

 

Những người thực hiện chương trình đang chờ sự chung tay của quý vị và các bạn, giúp đỡ em Mạc Thị Hiến, ở số điện thoại: 0438. 255. 667.

 

 

Thu Hà/VOV4

 

Hà 2 ảnh

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC