Kết nối 54 - Sầm Thị Ki
Thứ tư, 00:00, 05/04/2017

VOV4.VN - Nhà nghèo, bệnh trọng, chị Sầm Thị Ki, dân tộc Mông, may mắn thoát chết sau cuộc phẫu thuật tim. Nhưng số tiền vay lãi đang lớn lên từng ngày, khiến chị lo lắng đêm ngày, ảnh hưởng nhiều tới quá trình hồi phục.

Còn bây giờ, mời quý vị đến với nhân vật của chuyên mục ngày hôm nay: chị Sầm Thị Ki, 46 tuổi, người dân tộc Mông, quê Yên Sơn (Tuyên Quang).

 

Tiếng động nền: (Cháu ở bên từ thiện. Có cô chú, anh chị nào ăn cháo thì mang cặp lồng ra lấy cháo giúp cháu nhé. Ở nhà E, cháo miễn phí ạ)

 

Anh Hầu Văn Lý tất tả đi xin cháo từ thiện. Được tin hôm nay có cháo bí ngô, món mà vợ anh khi ở nhà vẫn thích ăn, nên anh ngóng mãi để có thông báo là đi ngay cho kịp.

- Băng (Bây giờ tiền ăn cũng hết rồi. … Ăn uống ở đây đắt quá!)

 

 

Hôm nay là cuối tuần, mới có nhà hảo tâm tới phát cháo. Còn những ngày khác, anh chỉ dám mua khi thì chút phở, khi thì chút cháo cho vợ.

 

-Băng (Mua cho vợ ăn, còn mình thì nhịn, đến tối mới ăn để đi ngủ)

Chị Sầm Thị Ki, vợ anh, vẫn còn khó thở nhiều, đi được vài bước lại muốn quay về giường nằm. Anh Lý cứ lóng ngóng đi theo để đỡ vợ. Hỏi, các con anh đâu, có cháu nào xuống chăm mẹ không, anh Lý chùng người xuống, gương mặt rầu rầu:

- Băng (Gọi cho nó, bảo là đến giờ mẹ mổ thì bố gọi xuống để phục vụ mẹ nhé. Bố chẳng biết thay bỉm đâu, con phải xuống thay bỉm cho mẹ. Con bảo là không có tiền xuống thì làm thế nào? Con cũng nghèo lắm. Con gái đi làm dâu trên Ba Bể, Bắc Cạn, cũng nghèo lắm. Lúc nãy nó gọi xuống bảo là con không có đồng tiền nào để đi thăm mẹ nữa (khóc). Không có tiền mổ cho mẹ thì làm thế nào bây giờ? Sốt ruột lắm. Vợ thì cứ bảo là không có tiền, thôi đi về.)

 

 

 

 

Anh Hầu Văn Lý quê ở Bảo Lạc (Cao Bằng), mồ côi cha mẹ từ khi còn nhỏ, được một người họ hàng đưa sang Yên Sơn (Tuyên Quang) sinh sống. Lấy chị Ki, anh được cha mẹ vợ cắt cho ít đất, rồi nhờ chính sách hỗ trợ người dân tộc thiểu số nghèo của Nhà nước mà anh cũng dựng được ngôi nhà khung gỗ vách đất chừng 10 mét vuông, mái lợp prô xi măng. Căn nhà tuềnh toàng ấy từ lúc dựng tới giờ, gần 20 năm, chưa một lần được sửa chữa. Vậy nên:

- Băng (Mưa to là dột vào nhà. Có lúc nó chảy vào đầy cả nhà)

 

 

Vợ chồng anh Lý - chị Ki bảo nhau tằn tiện, rau cháo nuôi con. Chẳng mấy khi làng xóm thấy anh chị ở nhà. Mỗi người bươn bải một nơi, cốt là cuối ngày có thứ để nổi lửa.

- Băng anh Lý (Ruộng cũng ít, có mỗi 2 sào, toàn làm nương trồng sắn thôi. Nương hay mất mùa. Toàn đất khô.

- Chị Ki (Người ta không cho phát thì bây giờ không làm nương nhiều đâu. Một năm thì đói 2 tháng)

 

Thỉnh thoảng trong bản cũng có người thuê làm việc này, việc kia, cũng được trăm nghìn một ngày, nhưng cũng chỉ thi thoảng. Thế là hôm nào thấy anh bạn hàng xóm đi rừng, anh Lý cũng xin đi theo, may ra thì kiếm được chút ít.

 

- Anh Lý (Đi rừng bây giờ cũng khó kiếm lắm. Đi kiếm dây thuốc 1 ngày được 5 chục nghìn, nhưng bây giờ chỉ được 20, hay 10 nghìn thôi. Tiền muối, tiền các kiểu, nên có lúc không có ăn nữa. Điện lưới không có, toàn đốt dầu thôi. … Ruộng được 1 vụ thôi chứ không phải 2 vụ. Nếu được mùa thì được tầm 20 bao. Không được mùa thì chỉ tầm 10 bao thôi)

 

 

- Băng ( Bị lâu rồi, không có tiền đi chữa. Đau 4 năm rồi)

4 lần sinh nở, chị Ki đã san sẻ phần nhiều sức khỏe của mình cho 4 đứa con. Mấy năm nay, chị thấy chóng mặt và khó thở, leo một đoạn dốc lên nương mà cứ muốn lả đi. Cũng mấy lần ra trạm y tế xã xin thuốc bổ uống, nhưng uống thuốc mà chẳng thấy đỡ. Đã vài lần chị trộm nghĩ: ước gì mình có vài ba triệu để về huyện khám bệnh… Nhưng ý nghĩ ấy lại vụt tắt ngay trong chốc lát, bởi thóc lúa nhiều khi còn không có đủ ăn, thì biết đến bao giờ mới có tiền triệu để đi khám bệnh?

 

Thế rồi, một tháng trở lại đây, chị Ki cảm thấy mình dù có gồng mình lên cũng có vẻ khó chống cự lại những cơn khó thở ngày một dầy. Chồng con chị lo lắng cuống cuồng, đi khắp nơi vay tiền cho chị đi Viện.

 

- Băng chị Ki: (Các con bảo là không có tiền thì cũng phải đi chữa bệnh, phải vay được chỗ nọ chỗ kia. Không đi chữa thì không có mẹ)

Anh em họ hàng ai cũng cảnh nghèo, vay mỗi nhà được vài trăm nghìn, nhiều nhất cũng chỉ được 1 triệu, nên đưa vợ về bệnh viện tỉnh cấp cứu mà anh Lý chỉ có trong tay 7 triệu đồng. Nhìn vợ gầy đét, xanh xao, lòng ruột anh Lý như lửa đốt.

 

- Băng (Ở Tuyên Quang thử máu, nhưng lấy máu ở tay không có máu, lấy lên nách cũng không có máu, phải chọc thẳng vào cổ. Bác sĩ bảo là chậm 10 phút nữa là chết. Máu đông vào quả tim rồi. Nếu không nhanh thì máu lại đông thì chết ngay. Vào Tuyên Quang tiêm đỡ một tí rồi chuyển xuống đây.)

 

 

Bác sĩ bảo phải chuyển về Hà Nội ngay để phẫu thuật, nhưng mấy bố con anh cứ chần chừ, vì xe đi thì phải trả tiền, mà không có tiền thì về ai chữa bệnh cho. Thấy gia cảnh thương tâm của gia đình anh Lý, các bác sĩ quyết định tìm một ca bệnh nữa để ghép vợ anh đi cùng chuyến, hoàn toàn miễn phí.Về Khoa phẫu thuật lồng ngực, bệnh viện Việt Đức, chị Sầm Thị Ki được chỉ định điều trị nội khoa để đủ sức khỏe phẫu thuật. Bác sĩ Dương Ngọc Thắng, người điều trị trực tiếp cho chị Ki thông tin:

 

- Băng (Bệnh nhân nữ 47 tuổi, bị bệnh tim lâu năm mà không có tiền để phẫu thuật. Tình trạng hiện nay là tỉnh, da niêm mạc nhợt nhiều, gan to, siêu âm thì có hình ảnh hẹp van hai lá khít, hở nhẹ van ba lá và động mạch phổi, nhĩ trái giãn và có huyết khối. Bệnh nhân có chỉ định mổ thay van hai lá, có thể sửa van ba lá và lấy huyết khối ở nhĩ)

 

Anh Lý và chị Ki không biết chữ, nên hồ sơ bệnh án bác sĩ đưa, cả hai vợ chồng đều không đọc được. May mà được các bác sĩ giải thích tỉ mỉ, cặn kẽ, anh cũng lờ mờ hiểu phần nào. Nhưng mấy ngày liền, anh Lý không tài nào chợp mắt được. Sao vợ anh lại ra nông nỗi này?

 

- Băng (Bệnh nhân bị bệnh nhiều năm rồi. Nếu không được phẫu thuật sớm thì huyết khối trong tim sẽ bắn ra và gây tắc mạch. Tắc mạch não thì bệnh nhân có thể liệt nửa người, có thể đi vào hôn mê, thậm chí là tử vong. Nếu tắc mạch ở tay chân thì bệnh nhân sẽ bị hoại tử tay chân, thậm chí là cắt cụt chi. Tắc mạch ở tạng thì hoại tử ruột. Tình trạng khó thở sẽ ngày càng tăng dần và bệnh nhân sẽ không có khả năng đi lại, hoạt động được nữa. Nếu được phẫu thuật thay van, sửa van và lấy huyết khối thì tiên lượng khá lá tốt, vì bệnh nhân còn trẻ. Những trường hợp thay van như thế này thì hết khoảng 40 tới 50 triệu đồng, trừ bảo hiểm rồi, bởi vì còn phụ thuộc rất nhiều vào vật tư sử dụng trong mổ, rồi chuyện hồi sức sau mổ nữa)

 

 

Ở Viện được mấy ngày, cậu con lớn của anh Lý vay lãi được 30 triệu đồng mang xuống. Chưa đủ chi phí tối thiểu để phẫu thuật, nhưng bệnh tình của chị Ki chuyển nặng, phải phẫu thuật gấp. Ca phẫu thuật kéo dài gần hết buổi sáng, nhưng mừng là đã thành công và hồi sức sau phẫu thuật cũng thuận lợi. Chị Ki được cứu sống, anh Lý như trút được tảng đá đè nặng bấy lâu nay trên ngực. Nhưng mối lo về nợ nần đang phải trả lãi cao hàng tháng khiến anh Lý chưa thể nở được một nụ cười.

 

 

Thưa quý vị! Bệnh tật chẳng chừa một ai, nhưng nhà nghèo mà bệnh trọng thì dù có may mắn chữa khỏi bệnh, thì gia đình đó cũng chẳng biết đến bao giờ mới hết đận đao đao. Chúng tôi mong quý vị và các bạn mở lòng, mỗi người một chút thôi, giúp gia đình anh Lý – chị Ki vượt qua giai đoạn sóng gió này. Chìa bàn tay cứu giúp người đang gặp người khó khăn, hoạn nạn, quý vị và các bạn sẽ cảm thấy lòng mình thanh thản vô cùng. Và quý vị ạ, trong hoàn cảnh này, quý vị không chỉ cứu giúp một mình chị Ki đâu, quý vị đã giúp hồi sinh cả một gia đình người dân tộc Mông!

 

Số máy trực 097.1400.554 của Kết nối 54 đã sẵn sàng đón nhận sự giúp đỡ của quý vị và các bạn với gia đình chị Sầm Thị Ki.

 

Dẫn hệ: Nếu quý vị và các bạn thường xuyên nghe Kết nối 54 vào thứ 5 hàng tuần thì vẫn thấy chúng tôi thông tin số máy điện thoại cố định. Nhưng hôm nay  là ngày nghỉ lễ, quý vị vui lòng gọi số máy di động: 097.1400.554. Xin đọc lại:097.1400.554.  Biên tập viên của chuyên mục đã sẵn sàng kết nối quý vị với gia đình chị Sầm Thị Ki.

 

 

Thanh Tâm/VOV4

 

 

Tags:

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC