Nhìn cựu chiến binh Thào Phá Sỉ sải những bước chân chắc nịch quanh vườn thanh long xanh mướt nơi lưng chừng đồi, không ai nghĩ năm nay ông đã ở tuổi 70. Nhập ngũ năm 1976 tại Đại đội 5, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 184; đến năm 1981, ông được phục viên trở về địa phương.
“Lúc đó, không chỉ gia đình tôi mà các hộ gia đình khác trong bản đời sống rất khó khăn, kinh tế phụ thuộc hoàn toàn vào trồng ngô, trồng sắn, bữa đói, bữa no, nhiều khi phải lên rừng đào củ mài về ăn cho qua bữa”, ông Sỉ chia sẻ.
Không cam chịu đói nghèo, ông quyết tâm tìm hiểu các mô hình hiệu quả ở nhiều nơi; đồng thời, tích cực tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi do xã, bản tổ chức. Ban đầu là cây chè và các loại nhãn, xoài..., nhưng hiệu quả kinh tế không cao.
Đến năm 2018, nhận thấy khí hậu, thổ nhưỡng ở bản mình rất phù hợp để trồng cây thanh long, ông đã đầu tư công sức, tiền của để làm 2.700 trụ bê tông; đồng thời, mua cây giống về trồng trên diện tích gần 2,5 héc ta. Nhờ chăm sóc tốt, đúng quy trình kỹ thuật, mỗi cành chỉ để 1 đến 2 quả, nên vườn thanh long của gia đình phát triển rất tốt, mỗi năm cho thu sản lượng xấp xỉ 25 tấn.
“Ngoài trồng thanh long, nhà tôi cũng duy trì trồng 2 héc ta cà phê và chè xanh, cộng với chăn nuôi gia súc, gia cầm... mỗi năm mô hình kinh tế tổng hợp của gia đình tôi cũng cho thu nhập trên 400 triệu đồng, nhờ đó mà có điều kiện nuôi các con ăn học”, cựu chiến binh Thào Phá Sỉ cho biết.
Cùng với phát triển kinh tế gia đình, cựu chiến binh Thào Phá Sỉ cũng luôn tích cực hướng dẫn và hỗ trợ người dân trong xã, trong bản chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang cây trồng có hiệu quả kinh tế cao, từ đó tạo động lực giúp bà con dân bản phát triển kinh tế, đoàn kết xây dựng nông thôn mới.
Ông Sỉ cho biết, đồng bào Mông vốn có tập quán sinh sống, canh tác trên sườn núi, giao thông đi lại khó khăn, việc sản xuất tự cung, tự cấp đã ăn sâu vào nếp nghĩ, nếp sống của bà con. Trăn trở với suy nghĩ giúp bà con thay đổi tập quán lạc hậu chính là động lực để ông tích cực đi đầu trong việc chuyển đổi cây trồng mới và mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế để có thu nhập cao.
"Muốn bà con thay đổi tư duy, chuyển đổi cây trồng mới, biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thì cần cả một quá trình, chứ không phải giơ tay biểu quyết là xong. Với lại mình không nói suông mà phải làm cho bà con thấy. Nghĩ vậy nên tôi xác định phải tập trung phát triển kinh tế gia đình mình thật tốt, khi có mô hình ổn định rồi thì bà con khắc sẽ tin tưởng làm theo. Ngay cả trong những buổi họp bản, họp xã, những buổi thăm thân, tôi luôn nói chuyện, động viên mọi người cùng tích cực xoá đói giảm nghèo, đoàn kết xây dựng bản làng ấm no, hạnh phúc", ông Sỉ bày tỏ.
Theo ông Cà Văn Minh, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Phổng Lái, huyện Thuận Châu (Sơn La), phát huy truyền thống “Bộ đội cụ Hồ”, cựu chiến binh Thào Phá Sỉ đã vượt lên hoàn cảnh, đi đầu trong phát triển kinh tế, trở thành tấm gương mẫu mực ở xã, bản, được nhiều người học tập, làm theo. Nhờ vậy mà đến nay, toàn xã chỉ còn 6,4% hộ nghèo và gần 1% hộ cận nghèo.
“Hiện nay, gia đình ông Sỉ đã có kinh tế khá, đứng thứ nhất, thứ nhì ở xã. Không chỉ phát triển kinh tế cho gia đình mình, ông còn thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật trồng trọt, chăm sóc các loại cây trồng, chăn nuôi cho bà con trong bản, trong xã, từ đó tạo động lực giúp nhiều hộ gia đình, nhất là hội viên Hội Cựu chiến binh mạnh dạn chuyển đổi từ cây ngô, cây sắn kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, cho thu nhập cao”, ông Minh cho biết.
Tích cực đi đầu trong phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo, cựu chiến binh Thào Phá Sỉ thực sự là tấm gương sáng để thế hệ trẻ hôm nay, nhất là con em đồng bào dân tộc Mông học tập, noi theo để xây dựng bản làng, quê hương ngày càng ấm no, hạnh phúc./.
Viết bình luận
Tin liên quan
Chuyện về đảng viên Y Al Trei - trưởng buôn Bhôk
VOV4.VOV.VN - Anh Y Al Trei, Phó bí thư Chi bộ, trưởng buôn Bhôk được gọi là “cán bộ đường lối" của buôn, bởi đi đâu, làm gì, anh cũng tranh thủ tuyên truyền về chủ trương chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước để bà con hiểu và thực hiện. Nhờ vậy cuộc sống của người Mnông ở Bhôk đang ngày khởi sắc.
Chuyện về đảng viên Y Al Trei - trưởng buôn Bhôk
VOV4.VOV.VN - Anh Y Al Trei, Phó bí thư Chi bộ, trưởng buôn Bhôk được gọi là “cán bộ đường lối" của buôn, bởi đi đâu, làm gì, anh cũng tranh thủ tuyên truyền về chủ trương chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước để bà con hiểu và thực hiện. Nhờ vậy cuộc sống của người Mnông ở Bhôk đang ngày khởi sắc.
Nghệ nhân ưu tú Cầm Vui nặng lòng với văn hóa dân tộc
VOV4.VN - Nghệ nhân Ưu tú Cầm Vui, được nhiều người ở huyện Mường La biết đến là người nặng lòng với văn hoá của dân tộc Thái. Ông có nhiều đóng góp trong việc truyền daỵ, lưu giữ văn hóa dân tộc.
Nghệ nhân ưu tú Cầm Vui nặng lòng với văn hóa dân tộc
VOV4.VN - Nghệ nhân Ưu tú Cầm Vui, được nhiều người ở huyện Mường La biết đến là người nặng lòng với văn hoá của dân tộc Thái. Ông có nhiều đóng góp trong việc truyền daỵ, lưu giữ văn hóa dân tộc.