năm 1943, trong một gia đình nghèo, có 4 anh chị em ở Kông Chro, Gia Lai, từ nhỏ cậu bé Krung Dăm Veo (Y Veo) đã chịu nhiều thiệt thòi. Chưa tròn 10 tuổi, người mẹ mất, người cha thì bị thực dân Pháp bắt làm phu nên anh em Krung Dăm Veo phải tự bươn chải nuôi nhau. Năm 12 tuổi, ông gặp cán bộ Đội tuyên truyền giải phóng quân, rồi theo cách mạng.
Xông pha trận mạc, thương tích đầy mình, ra Bắc vào Nam, trải khắp chiến trường Tây Nguyên chống Mỹ, Krung Dăm Veo luôn tự hào mình là chiến sĩ Giải phóng, là Bộ đội Cụ Hồ: “Ngày 20-3-1961, tôi được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam, đây là vinh dự lớn nhất. Vinh dự thứ hai là năm 1965 được tặng thưởng Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng II, với tôi là điều hết sức đặc biệt vì chính Bác Hồ kí tặng, là vinh dự lớn của một người làm cách mạng!”.
Gia đình ông Krung Dăm Veo
Sau ngày thống nhất đất nước năm 1975, Krung Dăm Veo tham gia công tác nhiều vị trí, từ công tác đoàn thể, hội nông dân, đến dân vận. Là người của công việc, trên cương vị nào ông cũng cố gắng hoàn thành tốt trọng trách. Khi là Phó Bí thư Tỉnh đoàn Gia Lai, rồi Chủ tịch Hội Nông dân, thành công lớn nhất của ông là đã tổ chức lực lượng Thanh niên xung phong khai hoang hơn 23 nghìn ha ruộng đồng, mở rộng các nông trường chè Bàu Cạn, Biển Hồ…, vận động bà con Bana, Gia rai định canh định cư, hướng dẫn bà con cách chăn nuôi, trồng trọt, làm lúa nước...
Khi được phân công là Trưởng ban Dân vận tỉnh Gia Lai, ông đi sâu tìm hiểu đời sống bà con các buôn làng, giúp bà con hiểu rõ âm mưu của tàn quân Fulro lưu vong. Không kể ngày đêm, nắng mưa, ông cùng đoàn cán bộ xuống tận buôn làng, đi tới những “điểm nóng” ở Gia Lai để khuyên giải, phân tích cho bà con những việc làm sai trái, xấu xa của bọn phản động và vận động được nhiều người trở về đoàn tụ với gia đình, chung sức phát triển kinh tế, dựng xây buôn làng.
Đến nay, ở tuổi 75, vết thương cũ tái phát đi đứng rất khó khăn, nhưng ông vẫn không cho phép bản thân được nghỉ ngơi. Ông Veo cho rằng: “Buôn làng còn nghèo, người dân còn khó khăn thì người đảng viên sao có thể nghỉ được”.
Ông Veo bộc bạch:“Đến tuổi 60 tôi nghỉ hưu, về sinh sống tại làng Plei Piơm. Nhưng buôn làng còn nghèo, người dân còn khó khăn thì sao mà yên lòng nghỉ ngơi được. Mình là đảng viên phải gương mẫu, tiếp tục phụ trách hội người cao tuổi, hội cựu chiến binh, vận động người dân phát triển kinh tế, trồng rau, trồng cà phê, chăn nuôi... động viên con cháu đi nghĩa vụ quân sự đầy đủ; Xóa bỏ các phong tục lạc hậu, mê tín dị đoan, xây dựng nếp sống mới. Plei Piơm đã thay đổi tốt đẹp, dân đoàn kết”.
Niềm vui của ông là được người dân hết mực tin yêu. Ông chia sẻ, đó chính là vinh dự lớn nhất của người làm cách mạng.
A Dơng/VOV-Tây Nguyên
Viết bình luận