Hiện
nay, cả nước có hơn 64.500 cán bộ, công chức người dân tộc thiểu số.
Giáo sư, tiến sĩ, thầy thuốc, nhà giáo ưu tú và nhân dân… ngày một
nhiều. Hàng vạn cử nhân, thạc sĩ, là người dân tộc đang
cống hiến trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Không ít người đã trở về quê
hương đóng góp cho sự phát triển chung của địa phương cũng như sự phát
triển ở vùng đồng bào dân tộc.
Gặp mặt nhân sĩ, trí thức người dân tộc thiểu số. Ảnh:baomoi.com
Như ở tỉnh Thừa Thiên Huế, chỉ trong vòng 5 năm, số lượng người dân tộc thiểu số có trình độ đại học đã tăng lên cả trăm người. Riêng ở huyện miền núi A Lưới, nơi sinh sống của người Tà Ôi, Pa hi, Pa cô, tỷ lệ cán bộ người dân tộc thiểu số đã chiếm gần 90%.
Bà Nguyễn Thị Sửu, Bí thư huyện ủy huyện A Lưới, nhận xét: Từ năm 2005, A Lưới là huyện đầu tiên triển khai đề án bố trí người dân tộc thiểu số tốt nghiệp đại học tăng cường ở các xã biên giới. Trên lĩnh vực kinh tế, những cán bộ trẻ có kiến thức ở các lĩnh vực thì họ mang kiến thức ở nhà trường về áp dụng ở địa phương.
Lực lượng nhân sĩ trí thức người DTTS am hiểu về lịch sử, văn hóa dân tộc; là một trong những lực lượng nòng cốt tuyên truyền vận động người dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Trong đó, nhiều người đã khẳng định được năng lực, được Đảng và Nhà nước giao cho những vị trí quan trọng trong cấp ủy, chính quyền các cấp.
Nhờ chính sách chú trọng đào tạo của Đảng và nhà nước, cùng nỗ lực tự thân, đội ngũ nhân sĩ trí thức dân tộc thiểu số ngày càng đông đảo hơn, đa dạng thành phần dân tộc hơn. Tiêu biểu có thể kể đến ông Triệu Tài Vinh, Bí thư tỉnh ủy Hà Giang - tiến sĩ đầu tiên của người Dao; chị Vương Ngọc Hà - tiến sĩ người La Chí, phó đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang; nhà thơ Chu Thùy Liên - tiến sĩ đầu tiên của người Hà Nhì ở Điện Biên, hiện là Phó Ban Dân tộc tỉnh; bà Rơ Đăm Thị Bích Ngọc, nữ tiến sỹ đầu tiên của dân tộc Xơ đăng, hiện đang công tác tại Viện Tâm lý học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam); anh Cil Duin - chàng trai đầu tiên của người dân tộc K’Ho đi du học và nhận bằng tiến sĩ quốc tế; bí thư huyện ủy Bát Xát- Lào Cai Giàng Thị Dung - người Mông đầu tiên nhận bằng tiến sĩ kinh tế; …. Và còn nhiều, nhiều lắm những cái tên như thế ở khắp các buôn sóc bản làng.
Thu Hòa/VOV4
Viết bình luận