Ninh Thuận: Những nhà báo Chăm tận tâm với nghề
Thứ năm, 00:00, 21/06/2018 THU HA bt THU HA bt

VOV4.VN - Hơn 20 năm qua, kể từ khi chương trình tiếng Chăm của Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Ninh Thuận được phát sóng. đội ngũ những người làm báo phát thanh và truyền hình tiếng Chăm tại Ninh Thuận đã không ngừng trưởng thành, đáp ứng tốt nhiệm vụ được giao, xứng đáng với niềm tin của đông đảo bạn nghe đài là đồng bào Chăm nơi đây.

 

 

Thời gian đầu mới thành lập chương trình tiếng Chăm, Đài PTTH Ninh Thuận chỉ mời được một số trí thức Chăm tham gia cộng tác viên biên dịch lại các tin, bài tiếng Việt sang tiếng Chăm. Khi đó, mỗi tuần chỉ phát hai chương trình truyền hình với thời lượng 30 phút và 4 chương trình Phát thanh với thời lượng 15 phút/chương trình. Bộ phận sản xuất chương trình giao cho phòng thời sự của Đài đảm nhận.

Để chủ động trong việc biên dịch, biên tập các chương trình tiếng Chăm đảm bảo chính xác, có chất lượng, từ năm 2003, tỉnh Ninh Thuận đã tuyển chọn và tạo điều kiện cho các phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên người Chăm đào tạo chính quy tại Trường Cao Đẳng Truyền hình Hà Nội. Nhiều lớp học về nghiệp vụ được tổ chức hàng năm nhằm trang bị những kiến thức nghiệp vụ cơ bản cho đội ngũ những người làm truyền hình tiếng Chăm.

Đến nay, lực lượng làm chương trình tiếng Chăm của Đài Ninh Thuận đã từng bước trưởng thành. Nhiều chương trình truyền hình tiếng Chăm tham gia liên hoan truyền hình toàn quốc  và đoạt giải cao như: tác phẩm “Vũ điệu Chămpa”, giao thoa văn hóa Chăm - Raglai, Đất khát chuyển mình, các chương trình tổng hợp tiếng Chăm đạt nhiều huy chương vàng

Đài PTTH Ninh Thuận hiện có 3 phóng viên, biên tập viên là người Chăm đảm nhận toàn bộ các chương trình Phát thanh và Truyền hình tiếng Chăm. Nguồn nhân lực ít lại đảm nhận nhiều chương trình phát sóng tại địa phương và còn sản xuất cộng tác cho VTV5 – Đài Truyền hình Việt Nam 4 chương trình mỗi tháng nên những người làm chương trình tiếng Chăm tại Ninh Thuận phải kiêm nhiệm, cùng lúc vừa là phóng viên vừa là người dẫn chương trình, vừa là người quay phim và cũng là người biên tập, biên dịch.

Các BTV này phần lớn là phải tác nghiệp độc lập, vừa quay, vừa dẫn chương trình tại hiện trường, vừa viết kịch bản, thậm chí kiêm cả việc dựng và đọc lời bình.

Điều này đòi hỏi các anh chị phải nỗ lực rất lớn. Một trogn những khó khăn mà các anh chị gặp phải là cần dịch làm sao cho đầy đủ nội dung nhưng lại thật dễ hiểu, bình dị để bà con tiếp thu được hết. Thậm chí, có nhiều từ mà chính tiếng nói và chữ viết của người Chăm không có, các anh chị phải mượn tiếng Việt và phải dùng tới từ điển.

Thêm vào đó, vì phải kiêm nhiệm cùng lúc nhiều việc, đòi hỏi các anh chị luôn phải rèn luyện để có đủ sức khỏe. Vì ít người nên “không ai được phép ốm”...

Dù vất vả như vậy, nhưng những phóng viên, biên tập viên người Chăm luôn nỗ lực đem đến cho công chúng là đồng bào Chăm những phóng sự, tin bài chất lượng cao. Các chương trình tiếng Chăm đã đem đến cho đồng bào nhiều thông tin hữu ích trong cuộc sống, trong đó có nhiều thông tin về dạy cách làm ăn…Đến nay, các chương trình tiếng Chăm đã có dấu ấn riêng, thực sự là món ăn tinh thần đối với khán, thính giả, nhất là đối với đồng bào Chăm./. 

 

Minh Triều/ CTV VOV

THU HA bt

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC