ĐBSCL Nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản để xuất khẩu bền vững
Thứ ba, 14:17, 03/01/2023 Nhật Trường, Chanh Tuy/VOV Đồng bằng Sông Cửu Long Nhật Trường, Chanh Tuy/VOV Đồng bằng Sông Cửu Long
VOV4.VOV.VN - Để các loại nông sản của vùng “xuất ngoại” bền vững, bà con nông dân và các doanh nghiệp ở ĐBSCL đang triển khai nhiều biện pháp nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và sản xuất theo quy trình, quy định của phía đối tác.

Vĩnh Long là tỉnh có diện tích trồng khoai lang nhiều nhất trong khu vực ĐBSCL, tập trung nhiều tại các huyện Bình Tân, thị xã Bình Minh và huyện Long Hồ. Vừa qua các ngành chức năng phối hợp đến kiểm tra vùng trồng và các cơ sở sản xuất đóng gói sản phẩm khoai lang của tỉnh Vĩnh Long và một số tỉnh khác để xem xét chấp thuận cho sản phẩm xuất khẩu chính ngạch.

Sau đợt kiểm tra này Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ký nghị định thư xuất khẩu chính ngạch cho khoai lang Việt Nam. Đây là tin vui cho bà con nông dân.

Anh Lê Trường Giang, một nông dân trồng khoai ở huyện Bình Tân cho biết: khoai lang Bình Tân được xuất khẩu chính ngạch, sẽ là tin rất vui cho người dân Bình Tân. Riêng bản thân tôi sẽ cố gắng thực hiện tốt quy trình hướng dẫn để nâng cao hiệu quả, đạt chất lượng đúng theo yêu cầu xuất khẩu. Với đà này người nông dân chúng tôi rất mừng, yên tâm phát triển nghề khoai lang bền vững hơn trong những năm tiếp theo.

Để các loại nông sản vùng ĐBSCL “xuất ngoại” thì chữ tín trong sản xuất, kinh doanh  từ nông dân, doanh nghiệp xuất khẩu phải được quan tâm, hàng đầu. Hàng hóa đưa đi xuất khẩu phải đạt chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và sản xuất theo quy trình, quy định của phía đối tác.

Tại tỉnh Bến Tre, khi lô bưởi da xanh xuất khẩu sang Hoa Kỳ đầu tiên, các bên phải ngồi lại rút kinh nghiệm, khắc phục những mặt tồn tại để làm sao tỉ lệ trái bưởi tiếp tục được đưa đi xuất khẩu cao hơn, nhà vườn được hưởng lợi nhiều hơn.

Ông Nguyễn Quốc Bảo, Giám đốc HTX bưởi da xanh tỉnh Bến Tre chia sẻ: Việc ngồi lại để chia sẻ những cái thuận lợi, hạn chế của mặt hàng xuất khẩu sẽ là cơ sở để chúng ta sẽ có kế hoạch khắc phục. Ví dụ như mình phải tuân thủ nghiêm ngặt vấn đề thuốc, thứ 2 là phải chú ý hình thức, phải cắt tỉa như thế nào, những côn trùng gì mà gây tì vết mà bên nhà nhập khẩu không chịu thì ngành nông nghiệp phải cho biết cái này lỗi là do đâu, muốn khắc phục phải làm như thế nào để nông dân cùng áp dụng.

Mã số vùng trồng, mã số nhà đóng gói, nhãn hiệu hàng hóa là những yếu tố quan trọng để nông sản đủ điều kiện đưa đi xuất khẩu. Vấn đề này, nông dân rất cần được sự quan tâm, hỗ trợ của các ngành chức năng nhất là ngành nông nghiệp, công thương.

Tại Tiền Giang đã có 187 mã số vùng trồng cây ăn trái đang hoạt động với tổng diện tích gần 18.000 ha, trong đó có 95 mã số vùng trồng được cấp sang thị trường Trung Quốc với tổng diện tích trên 16.300 ha. Toàn tỉnh có 203 mã số cơ sở đóng gói xuất khẩu trái cây; trong đó có 196 mã số đóng gói trái cây sang thị trường Trung Quốc.

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Tiền Giang đang tiếp nhận 89 hồ sơ xin cấp mã số vùng trồng với tổng diện tích trên 2.550 ha; trong đó, có 80 hồ sơ xin cấp mã số vùng trồng xuất sang Trung Quốc, tổng diện tích gần 3.100 ha mà nhiều nhất là sầu riêng gần 2.700 ha. Chi cục cũng tiếp nhận 52 hồ sơ xin cấp mã số cơ sở đóng gói, chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. 

Ông Nguyễn Văn Liêm, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Vĩnh Long cho biết, đã cấp được 4 mã số vùng trồng đối với khoai lang Bình Tân. Sau khi Trung Quốc đồng ý nhập khẩu chính ngạch đối với khoai lang Bình Tân, Sở Công thương tỉnh Vĩnh Long cũng đã triển khai các buổi tập huấn để cung cấp những thông tin cần thiết khi xuất khẩu khoai lang, yêu cầu chất lượng, bao bì, thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm và việc xây dựng mã số vùng trồng, mã số sản phẩm, cơ sở đóng gói,… nhằm giúp các doanh nghiệp, HTX, hộ dân và chính quyền địa phương nắm rõ các kiến thức cần thiết cho việc xuất khẩu chính ngạch sản phẩm khoai lang vào thị trường Trung Quốc và các nước khác trong thời gian tới.

Khi khoai lang được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc sẽ mở ra cơ hội phục hồi “thủ phủ khoai lang Bình Tân”, Vĩnh Long. Vĩnh Long đang tập trung tuyên truyền, hướng dẫn và đào tạo cho nông dân kiến thức, kỹ thuật, quy trình trồng, chăm sóc các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao để xuất khẩu vào nhiều thị trường, đặc biệt là các thị trường cao cấp.

Tỉnh cũng sẽ hướng dẫn người sản xuất ghi chép và lưu giữ hồ sơ giám sát về phòng trừ sinh vật gây hại. Hồ sơ này sẽ chuyển đến hải quan Trung Quốc khi có yêu cầu. Đối với cơ sở đóng gói, tỉnh cũng đã có hướng dẫn cho các doanh nghiệp phải vệ sinh sạch sẽ, có nền nhà cứng, khi đóng góp phải bảo quản khu riêng biệt, đặc biệt là phải trang bị máy rửa 2 lần để loại bỏ các côn trùng còn sống, đặc biệt là thuốc bảo vệ thực vật.

ĐBSCL là nơi sản xuất các mặt hàng nông, thủy sản lớn của cả nước, đa dạng chủng loại, có giá trị xuất khẩu cao. Để nông sản vùng ĐBSCL tiếp tục “bơi ra biển lớn” cần áp dụng đồng bộ nhiều biện pháp từ kỹ thuật canh tác, chất lượng hàng hóa, khâu bảo quản sau thu hoạch cũng nhiều tiêu chuẩn cần và đủ khác. Ngoài sự nỗ lực của người nông dân, rất cần sự quan tâm, hỗ trợ của các ngành chức năng, các cơ quan chuyên môn và sự chia sẻ hài hòa lợi ích, trách nhiệm của các doanh nghiệp xuất khẩu để nông sản ngày càng chinh phục được các thị trường khó tính./.

Một số hình ảnh về các loại nông sản, trái cây Đồng bằng Sông Cửu Long đủ tiêu chuẩn xuất khẩu:

 

Nhật Trường, Chanh Tuy/VOV Đồng bằng Sông Cửu Long

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC