(VOV) - Mùng 4 Tết Đinh Dậu, thị xã An Khê tưng bừng tổ chức Hội hát cầu huê, một lễ hội đoàn kết của người Kinh - người Thượng vùng An Khê.
Ngay từ sáng sớm, rất đông người dân địa phương cùng du khách đã tập trung về Đình An Khê Trường, một trong những di tích Tây Sơn thượng đạo, để tham dự Hội Hát cầu huê.
Trong thời gian diễn ra lễ hội, người Việt và người Ba na mang các loại rau củ quả, cày cuốc, nón, gùi… ra trao đổi, mua bán. Việc mua bán cốt lấy may nên người bán, người mua ai cũng thoải mái.
Từ nửa đầu thế kỷ 20 trở về trước, Hội hát cầu huê là Lễ hội Tế Xuân lớn nhất của người Việt ở An Khê, tỉnh Gia Lai. Lễ hội này có từ buổi đầu người Việt lên lập nghiệp trên cao nguyên vào khoảng đầu thế kỷ 17.
Sau hơn 60 năm thất truyền, Gia Lai đã phục dựng lễ hội trong mấy năm gần đây nhằm phục vụ công tác bảo tồn văn hoá và tôn vinh mối quan hệ đoàn kết đã có hàng trăm năm giữa người Kinh và người Thượng. Năm nay, lễ hội lần đầu tiên được phục dựng ngay trên chính mảnh đất sinh ra lễ hội này, là xóm Lũy của ấp Tây Sơn nhất, vùng đất đầu tiên của người Việt trong những ngày đầu họ đến An Khê.
Cùng ngày, chính quyền và nhân dân thị xã An Khê tưng bừng tổ chức Lễ kỷ niệm 228 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa.
Một số hình ảnh tại ngày hội:
Lễ hội tế xuân thể hiện tình đoàn kết Kinh-Thượng
Lễ kỷ niệm 228 năm chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa
Du khách dự lễ hội cầu huê
Mua bán lấy may tại lễ hội
Trò chơi dân gian
Xin chữ đầu năm
Công Bắc/VOV-Tây Nguyên
Viết bình luận