Hiện nay, đường sá đi các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam khá thuận tiện. Các đơn vị, doanh nghiệp đưa hàng lên bán tận nhà, bà con cần mặt hàng gì chỉ cần gọi điện thoại đặt hàng trước. Nhiều mặt hàng giảm giá đến 50%. Chị Hồ Thị Kim Đinh, người dân tộc Ca- Dòng ở xã Phước Gia, huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam cho biết: “Người dân xã Phước Gia, trước đây đến Tết đi mua hàng phải đi đường xa, khó khăn. Hiện nay, đường bê tông lên tận từ thôn nên xã rồi nên người dân mua hàng thuận tiện. Các đơn vị dưới xuôi, thành phố đưa hàng lên tận nơi phục vụ bà con, giá cả bình dân”.
Tại Trung tâm thị trấn Tân Bình, huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam những ngày này, tiểu thương đã bày bán hàng hóa Tết. Ông Nguyễn Văn Nam, Chủ tịch UBND huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam cho biết: huyện chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra, kiểm soát hàng hóa, xử lý tình trạng bán hàng không đảm bảo chất lượng, không niêm yết giá.
“Dịp Tết, các đơn vị trên bàn đã chuẩn bị nguồn hàng hóa dồi dào để đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân. Chúng tôi tăng cường kiểm tra quản lý thị trường hàng giả, hàng kém chất lượng nên bà con rất yên tâm, giá cả bình ổn”, ông Nam nói.
Hiện nay, nhiều đơn vị, doanh nghiệp ở tỉnh Quảng Nam đưa hàng về nông thôn, miền núi để phục vụ bà con mua sắm tết. Các mặt hàng thiết yếu gồm: gạo, đường, dầu ăn, thịt heo và thực phẩm bế biến, rau, củ quả, bánh mứt, nước uống các loại...
Bà Đỗ Thị Hiền, Trưởng phòng Quản lý thương mại, Sở Công thương tỉnh Quảng Nam cho biết, các doanh nghiệp cam kết bán hàng bình ổn giá: “Đối với công tác dự trữ hàng hóa, siêu thị Co.opmart Tam Kỳ dự trữ hàng hóa khoảng 70 tỷ đồng đến 90 tỷ đồng, siêu thị Go 35 tỷ đến 40 tỷ đồng. Các địa phương, doanh nghiệp khác tăng lượng hàng khoảng 10% đến 25% so cùng kỳ năm 2023. Đại lý phân phối cũng như các cơ sở sản xuất kinh doanh, tiểu thương các chợ truyền thống chủ động số lượng lớn hàng hóa phục Tết. Khuyến khích các địa phương cũng như doanh nghiệp tổ chức các điểm bán hàng Việt, chuyến xe hàng Việt phục vụ bà con ở vùng sâu, vùng xa./.
Viết bình luận