“Nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ tại Việt Nam (AWEEV)” là dự án tích hợp và ứng phó dựa trên cơ sở giới, nhằm góp phần nâng cao điều kiện kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số (DTTS) tại Việt Nam. Dự án được xây dựng thông qua cách tiếp cận dựa trên quyền để giải quyết các bất bình đẳng giới cho một số nhóm phụ nữ nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất tại Việt Nam, hướng tới việc cải thiện chất lượng cuộc sống, từ đó góp phần xóa đói giảm nghèo cho phụ nữ DTTS và gia đình họ.
Dự án được Bộ các vấn đề toàn cầu Canada (GAC) tài trợ với mục tiêu tiếp cận và tạo ảnh hưởng với 2.635 phụ nữ và nam giới người DTTS tại chín xã thuộc hai huyện Tam Đường và Quang Bình của tỉnh Hà Giang và Lai Châu trong thời gian từ tháng 04 năm 2021 đến hết tháng 3 năm 2025.
Dự án nhằm tiếp cận và tạo ảnh hưởng với 2.635 phụ nữ và nam giới người DTTS
Việc ra mắt Mạng lưới báo chí trong khuôn khổ dự án sẽ tạo một diễn đàn chung để vừa trao đổi, học hỏi, nâng cao năng lực lẫn nhau về năng lực truyền thông của các tổ chức xã hội đang quan tâm và thực hiện các dự án thúc đẩy, nâng quyền kinh tế cho phụ nữ, đồng thời tổ chức các cuộc trao đổi, đối thoại giữa các bên nhằm nâng cao hiểu biết, tăng cường tiếng nói và các hành động chính sách cụ thể liên quan đến tăng quyền kinh tế của phụ nữ vùng DTTS.
Lễ ra mắt “Mạng lưới Báo chí - Dự án AWEEV” tại Hà Nội.
Tham gia mạng lưới, các nhà báo được nâng cao kiến thức về quyền kinh tế của phụ nữ; tham gia các chuyến làm việc thực tế tại 2 tỉnh Lai Châu, Hà Giang, được tiếp cận thông tin của dự án để viết tin, bài. Các bài viết được chia sẻ lại trên các kênh truyền thông của dự án. Đặc biệt, kết quả của dự án sẽ được chia sẻ, đối thoại với các đơn vị tại trung ương, với các các nhà làm chính sách.
Tại Lễ ra mắt mạng lưới báo chí, anh Vũ Ngọc Dũng, đại diện Viện Nghiên cứu truyền thông phát triển (RED) cho biết, các hoạt động dự kiến sẽ tập huấn bao gồm: Nâng cao kiến thức về quyền kinh tế và các vấn đề liên quan trong dự án, kết nối nhà báo với mạng lưới doanh nghiệp, các tổ chức xã hội dân sự; tổ chức các chuyến làm việc tại địa bàn dự án; trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm…. Nâng cao kiến thức của các nhà báo về quyền kinh tế của phụ nữ; giúp các nhà báo có cơ hội tiếp cận doanh nghiệp để viết tin, bài; tham gia góp ý và hỗ trợ thông tin truyền thông cho các hoạt động của doanh nghiệp trong phạm vi dự án….
Dự án "Nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ tại Việt Nam có 2 hợp phần: Hợp phần 1- Thúc đẩy các quyền về kinh tế, đặc biệt cho phụ nữ nông thôn nghèo và dân tộc thiểu số ở Việt Nam. Hợp phần 2 - Tăng cường sự tham gia của phụ nữ nông thôn nghèo và dân tộc thiểu số vào các hoạt động kinh tế có thu nhập, trong đó có việc tham gia vào chuỗi sản xuất chè hữu cơ; hỗ trợ những phụ nữ có tham vọng làm kinh tế, giúp họ biến ước mơ thành hiện thực.
Tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các hoạt động kinh tế có thu nhập
Các kết quả nghiên cứu cho thấy, mỗi ngày một phụ nữ dành tới 4,5 tiếng/ngày để làm việc nhà mà không được trả lương.
Thực hiện các hoạt động truyền thông liên quan đến thúc đẩy quyền năng kinh tế của phụ nữ dân tộc thiểu số cũng là tạo cơ hội để các nhà báo góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, bởi vậy, mạng lưới báo chí ra mắt sẽ kết nối các thành viên và thúc đẩy cam kết đồng hành của các nhà báo, phóng viên trong mạng lưới; thảo luận, xây dựng kế hoạch hoạt động nhằm nâng cao hiểu biết, tăng cường tiếng nói và các hành động chính sách cụ thể liên quan đến tăng quyền kinh tế của phụ nữ DTTS./.
Thu Hà/VOV4
Viết bình luận