Cao Bằng nỗ lực khắc phục tình trạng thiếu giáo viên đứng lớp
Thứ năm, 07:55, 25/04/2024 CTV Tuấn Anh/VOV Đông Bắc CTV Tuấn Anh/VOV Đông Bắc
VOV4.VOV.VN - Ngành Giáo dục tỉnh Cao Bằng đang thiếu hơn 400 giáo viên, riêng cấp tiểu học thiếu tới 170 biên chế. Để nâng cao chất lượng giáo dục, năm học vừa qua tỉnh Cao Bằng đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, đặc biệt là giáo viên môn tiếng Anh ở địa bàn vùng sâu, vùng xa.

 

Ra khỏi nhà từ 6 giờ sáng và trở về lúc 6 giờ tối, một ngày làm việc của cô Hà Bích Hường - giáo viên tiếng Anh trường PTDTBT THCS Huy Giáp (huyện Bảo Lạc) đều đặn diễn ra như vậy trong suốt năm học qua.

Cô Hường cho biết, vì chỉ có 1 giáo viên tiếng Anh nên đầu năm học nhà trường tổ chức học online môn học này cho học sinh trên các điểm trường lẻ. Tiếng Anh vốn đã là môn học khó tiếp cận, đặc biệt là lũ trẻ vùng cao, đi xa hơn một chút, vất vả hơn một chút để các em được học trực tiếp sẽ hiệu quả hơn nhiều so với việc phải học từ xa.

"Đầu năm tôi được phân công giảng dạy tại trường THCS và tăng cường xuống trường tiểu học. Như tôi là đi tăng cường điểm trường chính và điểm trường Bản Ngà. Hiện tại sở đang có chương trình đưa giáo viên từ huyện khác vào hỗ trợ những huyện còn khó khăn như Bảo Lạc giúp giáo viên ở đây giảm bớt áp lực trong việc giảng dạy tiếng Anh xuống. Tôi chỉ mong nhất là Sở Giáo dục và Đào tạo, phòng Giáo dục tuyển đủ giáo viên tiếng Anh..." - Cô Hà Bích Hường bày tỏ.

Các trường trên địa bàn tỉnh Cao Bằng hiện cần tới hơn 90 giáo viên tiếng Anh, chủ yếu là ở các trường tiểu học. Để giảm gánh nặng cho giáo viên đang đứng lớp, nhiều trường chọn giải pháp vận động học sinh đang học ở các điểm trường lẻ tập trung về điểm trường chính thay vì điều động giáo viên tăng tiết.

Theo bà Hoàng Thị Nga - Phó hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học & THCS Cần Nông, huyện Hà Quảng: "Do nhà trường sáp nhập thành trường PTDTBT Tiểu học và THCS Cần Nông chỉ có một giáo viên tiếng Anh là giáo viên cấp THCS dạy tràn. Nay được sự quan tâm và chỉ đạo sát sao của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hà Quảng cũng như các cấp chính quyền địa phương trường đã có một giáo viên tiếng Anh dạy cấp tiểu học. Bên cạnh đó, nhà trường cũng vận động phụ huynh có con em theo học ở các điểm lẻ, ít học sinh dồn đến học tại điểm chính để các em được tiếp cận môn tiếng Anh và tin học".

Cùng với ngành Giáo dục, các cấp chính quyền địa phương cũng đang nỗ lực chung tay với nhà trường, khắc phục phần nào những khó khăn trước mắt để việc học của học sinh không phải gián đoạn.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng – Chủ tịch UBND huyện Bảo Lạc cho hay, là huyện khó khăn nhất của tỉnh Cao Bằng, thời gian qua, bằng nguồn ngân sách của huyện và các nguồn xã hội hoá, địa phương đang cố gắng đầu tư, nâng cấp hệ thống trường lớp học. Đặc biệt là tại các điểm trường lẻ để điều kiện học tập, ăn ở của giáo viên cũng như học sinh bán trú được tốt hơn.

"Với sự chung tay của các nhà hảo tâm, các tổ chức trong và ngoài tỉnh đã phần nào tháo gỡ được khó khăn giúp các thầy cô yên tâm hơn tiếp tục bám trường bám bản thực hiện nhiệm vụ dạy con chữ cho các cháu học sinh, nâng cao dân trí". - Ông Hùng nhận định.

Tình trạng thiếu giáo viên tại các tỉnh miền núi phía bắc nói chung và Cao Bằng nói riêng, nhất là giáo viên các môn chuyên biệt như: Ngoại ngữ, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật, Giáo dục thể chất... khiến cho sự nghiệp “gieo chữ, trồng người” ở vùng cao đã khó lại càng thêm khó.

Về lâu dài, công tác tuyển dụng bổ sung giáo viên, đặc biệt là giáo viên môn tiếng Anh và Tin học vẫn là yêu cầu cấp bách với ngành giáo dục Cao Bằng để đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục phổ thông và bảo đảm từng bước nâng cao chất lượng giáo dục tại địa phương.

CTV Tuấn Anh/VOV Đông Bắc

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC