Cập nhật bản đồ hiện trạng trượt lở đất đá để cảnh báo người dân
Thứ ba, 00:00, 18/07/2017 5 5
VOV4.VN - Theo bản đồ hiện trạng sạt lở đất Viện khoa học Địa chất Khoáng sản đang xây dựng, các vùng đặc biệt nguy hiểm là các tỉnh Yên Bái, Sơn La, Lai Châu, Lào Cai, Điện Biên, Bắc Kạn…. Dự kiến đến năm 2020, bản đồ chi tiết quy hoạch vùng sạt lở mới hoàn thành. Hiện nay, tại 10 tỉnh miền núi phía Bắc đang có khoảng 10.266 điểm nguy cơ sạt lở đất, trong đó 2.110 điểm nguy cơ khối lượng trượt lớn, rất lớn và đặc biệt lớn. Hàng nghìn người dân tiếp tục đối diện với nguy cơ sạt lở có thể xảy ra bất cứ khi nào. Phóng viên Đài TNVN phỏng vấn Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản Trần Tân Văn:

PV: - Thưa ông, đến nay, 14 tỉnh miền núi phía Bắc đã có Bộ bản đồ hiện trạng trượt lở đất đá và Bộ bản đồ phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá tỷ lệ 1:50:000. Việc công bố bản đồ này có ý nghĩa như thế nào đối với các tỉnh này?

Ông Trần Tân Văn: - Ý nghĩa cơ bản của các bản đồ hiện trạng và phân vùng cảnh báo trượt lở đất đá là giúp cho chính quyền và người dân địa phương nắm bắt được bức tranh chung về tình hình và nguy cơ trượt lở đất đá ở địa phương mình, nhất là về mùa mưa và đặc biệt là những khi có mưa bão lớn, mưa kéo dài nhiều ngày. Qua đó giúp cho địa phương kịp thời có phương án phòng tránh, sơ tán, di dời, giảm nhẹ hậu quả.

Về lâu dài, những bản đồ này rất nên được tích hợp trong các quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội cũng như các quy hoạch ngành, điều chỉnh không gian sử dụng lãnh thổ, tái định canh, định cư... Được như thế thì chúng mới phát huy hết giá trị, ý nghĩa của mình.

PGS.TS Trần Tân Văn - Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất Khoáng sản

PV: - Hiện nay, các địa phương miền núi phía Bắc có mưa lớn hoàn lưu sau bão số 2, ông cảnh báo gì đối với các địa phương nào có nguy cơ cao, thưa ông?

Ông Trần Tân Văn: - Bất cứ nơi nào có địa hình đồi núi cao, dốc, điều kiện địa chất không ổn định, hay bị mưa bão lớn đều có nguy cơ trượt lở. Trong những năm gần đây, vai trò của các hoạt động nhân sinh trong việc góp phần gây ra trượt lở hoặc làm trầm trọng hơn tai biến này ngày càng có xu hướng tăng cao. Nghĩa là nếu chúng ta cứ triển khai các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội (thí dụ mở đường, làm hồ chứa, chặt phá rừng hoặc san ủi lấy mặt bằng xây dựng công trình...) trong khi không nắm bắt được hết các điều kiện tự nhiên bất lợi thì vô hình chung chính chúng ta đã và đang góp phần gây ra trượt lở hoặc làm chúng trầm trọng thêm.

Vì thế bất cứ nơi nào những hoạt động này đang diễn ra sôi động thì cũng đều có nguy cơ trượt lở. Đặc biệt một số địa phương như Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Bắc Cạn... thì nguy cơ trượt lở còn cao hơn.

PV: - Sau khi công bố bản đồ thiên tai nguy cơ sạt lở đất đá ở miền núi phía Bắc thì Viện sẽ phối hợp với các chính quyền địa phương để mang lại hiệu quả trong công tác quy hoạch xây dựng khu dân cư, cũng như có thể lắp đặt thiết bị cảnh báo cho người dân?

Ông Trần Tân Văn: - Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản đã và đang triển khai công tác bàn giao các bản đồ kể trên cho Chính phủ, các bộ, ngành, các địa phương; tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn sử dụng cụ thể cũng như chia sẻ các hiểu biết của mình về trượt lở tới những đơn vị, cá nhân có nhu cầu tìm hiểu.

Viện cũng tích cực tham gia cùng Ban chỉ đạo trung ương về phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai trong việc đưa ra các cảnh báo sớm về tai biến này. Viện sẵn sàng phối hợp, hợp tác cùng các địa phương tích hợp các bản đồ hiện trạng và phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở vào các quy hoạch tổng thể, quy hoạch ngành, quy hoạch phát triển lãnh thổ, qua đó kịp thời điều chỉnh các phương án phát triển kinh tế-xã hội, phát triển ngành của các địa phương.

Thông qua hợp tác quốc tế, Viện cũng sẵn sàng giúp các địa phương lắp đặt, vận hành các thiết bị cảnh báo sớm cho chính quyền và người dân, nhất là ở những nơi có nguy cơ trượt lở cao, trượt lở quy mô lớn.

PV: - Chính phủ đã có yêu cầu xây dựng bản đồ chi tiết các khu vực sạt lở ở miền núi phía Bắc, tiến tới khu vực Tây nguyên và ĐBSCL. Trong giai đoạn đến năm 2020, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản sẽ tiếp tục cập nhật và chi tiết các bản đồ với tỷ lệ tăng dần như thế nào trước diễn biến biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, thưa ông ?

Ông Trần Tân Văn: - Trong khuôn khổ đề án Chính phủ về trượt lở giai đoạn 2012-2020, nhiệm vụ trọng tâm là điều tra, đánh giá, xây dựng các bản đồ hiện trạng và phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở tỷ lệ 1:50.000; điều tra, đánh giá chi tiết ở một số khu vực kinh tế trọng điểm, tập trung dân cư và có nguy cơ trượt lở cao. Tuy nhiên khối lượng công việc này không lớn.

Trước tình hình nguy cơ trượt lở ngày càng trở nên rõ ràng hơn, đặc biệt là trong bối cảnh biến đổi khí hậu, Chính phủ đã có yêu cầu xây dựng bản đồ chi tiết một số khu vực trọng điểm, tích hợp vào các phương án di dân... Viện sẽ tuân thủ nghiêm túc những chỉ đạo chặt chẽ, sát sao, kịp thời của Chính phủ, của Bộ Tài nguyên và Môi trường, cũng như các kiến nghị, yêu cầu của các địa phương.

PV: - Xin cảm ơn ông!

 

 

 

Sơn Lâm/VOV-Trung tâm Tin

 

5

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC