Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Bắc Kạn lần IV, năm 2024
Thứ bảy, 19:35, 19/10/2024 Công Luận/VOV Đông Bắc Công Luận/VOV Đông Bắc
VOV4.VOV.VN - Ngày 19/10, Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Bắc Kạn lần thứ IV, năm 2024 đã diễn ra với chủ đề “Các dân tộc tỉnh Bắc Kạn đoàn kết, đổi mới, phát huy lợi thế, hội nhập và phát triển”. Phóng viên Công Luận, Cơ quan thường trú Khu vực Đông Bắc thông tin.

 

Bắc Kạn là tỉnh miền núi, người dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm trên 88% với 07 dân tộc chính là Tày, Nùng, Dao, Kinh, Mông, Hoa và Sán Chay; 100% các xã, phường, thị trấn thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi. Giai đoạn 2019-2024, tình hình kinh tế, đời sống vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh ổn định, an sinh xã hội được bảo đảm; trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Đồng bào các dân tộc luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, phát huy nội lực, tích cực lao động, sản xuất phát triển kinh tế. Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các DTTS từng bước được cải thiện. Các chính sách, chương trình, dự án triển khai trong vùng đồng bào DTTS, trọng tâm là các Chương trình mục tiêu quốc gia tiếp tục được quan tâm thực hiện. Hệ thống kết cấu hạ tầng cơ sở ở vùng đồng bào DTTS tiếp tục được đầu tư xây dựng và nâng cấp… 

Với nhiều giải pháp chính sách đồng bộ và sự cố gắng nỗ lực của các cấp, các ngành, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm từ 27,37% năm 2020 xuống còn 21,95% vào năm 2023  với tỷ giảm bình quân 2,3%/năm và tỷ lệ hộ nghèo đồng bào DTTS năm 2023 giảm 3,45%.

Ông Dương Hồng Sinh, dân tộc Mông, Trưởng thôn Khuổi Nộc, xã Lương Thượng, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn cho biết: Khuổi Nộc là thôn có 100% đồng bào DTTS Mông và Dao cùng sinh sống, những năm qua, đời sống của bà con đã được nâng lên một bước và người dân đã có sự thay đổi rõ rệt trong cách nghĩ, cách làm, khao khát vươn lên thoát khỏi đói nghèo.

Theo ông Sinh, ở thôn Khuổi Nuộc, hộ có điều kiện thì tập trung đầu tư trồng rừng, chăn nuôi. Hộ ít đất sản xuất thì cả vợ, chồng đều đi làm công ty, hộ khó khăn thì xã hỗ trợ đi xuất khẩu lao động, được Nhà nước hỗ trợ xây nhà kiên cố, được đầu tư đường, điện, trường học kiên cố, khang trang, con em đi học đầy đủ, đúng tuổi…

Đại hội các DTTS tỉnh Bắc Kạn lần IV khẳng định, công tác dân tộc trong giai đoạn tới cần tiếp tục khai thác tiềm năng, lợi thế của tỉnh; đổi mới sáng tạo, huy động có hiệu quả mọi nguồn lực phát triển kinh tế nhanh bền vững, từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng, giữa các dân tộc; quan tâm phát triển nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ DTTS; từng bước xóa bỏ phong tục tập quán lạc hậu đi đôi với giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của đồng bào; tiếp tục xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc.

Ông Đặng Tiến Liều, người có uy tín tại thôn Phiêng An, xã Quang Thuận, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn, bày tỏ, được dự Đại hội, được nghe và hiểu, thấy được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước với đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là đồng bào ở vùng cao. Vừa được an ninh bảo đảm, vừa có sự chăm lo của chính quyền đến đời sống người dân, đầu tư cho người dân có điện, có đường, có trường cho con cháu mình đi học. Vui sướng nhất là thấy thế hệ trẻ, các cháu kế cận mình sau này đều có ước mơ, có mục tiêu lý tưởng rất cao đẹp.

Đại hội cũng nhấn mạnh mục tiêu đến năm 2029, thu nhập bình quân người dân tộc thiểu số bằng ít nhất ½ mức bình quân chung của cả nước, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS mỗi năm giảm trên 3,5%. Phấn đấu đạt 90% trở lên số trường, lớp học vùng đồng bào DTTS được xây dựng kiên cố đạt chuẩn; 100% thôn, bản có nhà văn hóa, 95% đồng bào DTTS được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; Xoá tình trạng nhà tạm, nhà dột nát cho đồng bào DTTS; duy trì tỷ lệ che phủ rừng trên 70%....

Bà Triệu Thị Thu Phương, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Bắc Kạn cho biết, yếu tố quan trọng nhất để thực hiện thành công mục tiêu, chỉ tiêu chương trình Đại hội đề ra là các cấp các ngành phải làm tốt công tác vận động, tuyên truyền bà con các dân tộc cùng nhau đoàn kết, quyết tâm chung sức thực hiện. Tập trung đầu tư trọng tâm, trọng điểm để thực hiện các nội dung: đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, phát triển sản xuất cộng đồng để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho bà con, nhất là vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số./.

Công Luận/VOV Đông Bắc

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC