

Giữa cái nắng như thiêu đốt, hình ảnh vợ chồng chị Hơi ở xã A Dơk, huyện Đăk Đoa, lầm lũi cắt những bó lúa khô nẻ trên thửa ruộng của mình đã trở nên quen thuộc. Chị Hơi nghẹn ngào chia sẻ: "Năm nay, lúa nhà em không có nước nên chết hết. Bây giờ dù có nước chắc cũng không cứu được nên phải cắt cho bò ăn."

Cùng chung cảnh ngộ, ông Bluih ở làng Bi Ă cũng đang cố gắng thu hoạch những cây lúa đã héo khô trên mảnh ruộng đang kỳ trổ đòng. Với 2 sào lúa, toàn bộ diện tích của gia đình ông đều bị nắng thiêu rụi. "Lúa chết hết rồi, mưa không có, nước người ta tưới cà phê cũng cạn rồi. Lúa chết hết rồi, không được thu hoạch," ông Bluih buồn bã nói trong khi cả nhà thay phiên nhau cắt lúa cho gia súc.
Thiệt hại hàng chục héc-ta lúa
Theo thống kê sơ bộ từ UBND xã A Dơk, trong vụ Đông Xuân năm nay, toàn xã đã gieo trồng 120 ha lúa. Đáng lo ngại, khoảng 46 ha đang trong giai đoạn trổ bông đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nước nghiêm trọng, nguy cơ mất trắng là rất cao. Nhiều nông dân không khỏi tiếc nuối công sức và chi phí đã bỏ ra, nhưng vẫn phải tranh thủ cắt lúa khô để làm thức ăn cho vật nuôi.

Ông Y Mưu, Bí thư Đảng ủy xã A Dơk, lo ngại rằng nếu tình hình thời tiết không có chuyển biến tích cực trong những ngày tới, diện tích lúa bị thiệt hại sẽ còn tiếp tục gia tăng. "Nếu tình trạng này tiếp diễn, sản xuất nông nghiệp sẽ gặp rất nhiều khó khăn vì hoàn toàn phụ thuộc vào trời mưa. Nếu có đập, mương thủy lợi thì hàng trăm ha lúa ở A Dơk, An Phú và thị trấn Đăk Đoa sẽ được tưới tiêu ổn định," ông Y Mưu nhấn mạnh về sự cần thiết của các công trình thủy lợi để đảm bảo nguồn nước tưới tiêu ổn định cho người dân.

Tình trạng lúa chết khát tại Gia Lai đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về những thách thức mà người nông dân phải đối mặt trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp. Hy vọng rằng các cấp chính quyền sẽ sớm có những giải pháp hỗ trợ kịp thời để giúp người dân vượt qua khó khăn này.
Viết bình luận