Anh Giàng A Sáu, dân tộc Mông, 45 tuổi, ở thôn Sài Lương 3, xã An Lương, huyện Văn Chấn là tỉ phú trồng quế - loại “cây vàng” trên đất núi. Với đồng bào nơi đây, chuyện anh Giàng A Sáu thường xuyên đến Ngân hàng Chính sách xã hội huyện gửi tiền tỷ đã trở nên quen thuộc. Không chỉ làm giàu cho bản thân, anh còn cổ vũ, khích lệ tinh thần vượt khó, vươn lên làm giàu cho đồng bào vùng cao nơi đây.
Những năm 2000, được sự vận động của Hội Nông dân các cấp và chính quyền địa phương, anh Giàng A Sáu cùng gia đình trồng 7 ha quế đầu tiên trên mảnh đất rừng được Nhà nước giao. Tiếp đó, hàng năm, gia đình đều mở rộng quy mô diện tích, nâng tổng diện tích quế lên hơn 40 ha.
Quế trồng cho thu hoạch có chất lượng tốt, đủ điều kiện để xuất khẩu ra nước ngoài nên thu nhập từ cây quế đã giúp gia đình anh Sáu cải thiện đời sống, cho thu nhập cao và xây nhà kiên cố, mua xe vận tải để phục vụ sản xuất. Năm 2019, anh mang 3 tỷ đồng từ bán quế đi gửi ngân hàng, năm 2021 tiếp tục gửi 4 tỷ đồng.
Anh Giàng A Sáu tâm sự, khi bắt đầu trồng quế cũng không nghĩ cây quế có giá trị cao, nhưng càng làm thì càng được nhiều nhiều, chịu khó là thành công.
Người dân trong vùng ai cũng trầm trồ thán phục và làm theo người "Nông dân Việt Nam xuất sắc" toàn quốc năm 2022 - Giàng A Sáu, để hướng tới cuộc sống giàu có sung túc hơn ngay trên đất đồi, đất núi của quê hương.
Anh Giàng A Lử, Trưởng thôn Sài Lương 3, xã An Lương, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái cho biết, đồng bào trong thôn trước đây không biết trồng cây gì, chỉ làm nương, không có hiệu quả kinh tế. Thấy anh Sáu học hỏi đi trồng quế, trồng được nhiều cây quế, bán được nhiều tiền, người dân trong thôn làm theo. Bây giờ hộ nào cũng trồng được quế.
Không chỉ nam giới, giờ đây chị em phụ nữ ở Yên Bái cũng nỗ lực làm ăn, phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu. Từ cây quế gia đình trồng được và kinh doanh các sản phẩm quế của người dân trong vùng, đến nay gia đình chị Trần Thị Huân ở thôn 6, xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái đã xây dựng được 2 xưởng sản xuất, chế biến quế; mua sắm được nhiều trang thiết bị máy móc và 4 ô tô tải lớn để vận chuyển hàng hóa. Cũng từ nguồn thu nhập ấy, gia đình chị xây được ngôi nhà khang trang nhất nhì vùng.
Chị Huân cho biết: Bình quân mỗi tháng, gia đình sản xuất, chế biến khoảng 100 tấn vỏ, cành quế các loại, lợi nhuận sau khi trừ chi phí bình quân đạt 1,2 tỷ đồng/năm. Không chỉ làm giàu cho bản thân và gia đình, chị Huân còn tạo công ăn việc làm cho nhiều phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn và lao động địa phương, với mức lương 5-6 triệu đồng/người/tháng.
Ông Phạm Văn Tiến, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên cho biết: Hội viên Trần Thị Huân hằng nằm đều được bầu chọn là hội viên sản xuất, kinh doanh tiêu biểu của xã, huyện, tỉnh. Trong những năm vừa qua chị Huân luôn nỗ lực cao, đặc biệt là trong việc hỗ trợ các gia đình khó khăn.
Theo số liệu thống kê, hiện trên địa bàn tỉnh Yên Bái có gần 900 mô hình do đoàn viên thanh niên làm chủ, từ đây xuất hiện nhiều triệu phú, tỷ phú thế hệ 8x, 9x.
Tỉnh Yên Bái cũng thường xuyên tổ chức các cuộc thi ý tưởng dự án khởi nghiệp cho thanh niên, qua đó ươm mầm những ý tưởng, những sáng kiến để đưa vào thực hiện. Rất nhiều dự án đã được hình thành, đạt được nhiều kết quả tốt đẹp, qua đó giúp các bạn thanh niên tự tin phát triển những mô hình của mình trên chính mảnh đất quê hương.
Đồng bào vùng cao nơi đây không chỉ làm ăn, phát triển kinh tế cho riêng mình mà luôn hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau cùng vươn lên. Ông Vũ Hữu Lê, Giám đốc Công ty TNHH Cơ khí và Xây lắp Hồng Hà ở TP Yên Bái, tỉnh Yên Bái được nhiều người gọi thân mật là “Nhà sáng chế của nông dân”, bởi cả cuộc đời, ông luôn hăng say nghiên cứu, sáng chế ra những loại máy móc, nông cụ giúp người nông dân giải phóng sức lao động mà vẫn đạt hiệu quả cao trong sản xuất, kinh doanh.
Hơn 20 năm qua, hàng trăm chủng loại máy với hàng chục nghìn sản phẩm phục vụ chế biến nông lâm sản đã được ông Lê và các cộng sự của mình chế tạo, được cấp bảo hộ độc quyền của Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học - Công nghệ) như: máy vò chè, máy trưng cất tinh dầu quế, máy ép miến, lò sấy nông sản di động…Những chiếc máy này không chỉ được người dân trong và ngoài tỉnh Yên Bái đặt mua nhiều do giá thành rẻ, bền, dễ sử dụng, dễ sửa chữa, mà còn xuất khẩu sang nước bạn Lào.
Với những người khó khăn về kinh tế, ông Lê còn sẵn sàng bán hàng theo phương thức trả chậm, không tính lãi, giúp nhiều người có cơ hội đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, thoát nghèo và vươn lên làm giàu.
Ông Lê chia sẻ, tôi xuất phát từ nông dân nên thấu hiểu sự nhọc nhằn của người nông dân. Vậy nên là khi bán cho nông nghiệp, nông dân và thôn thì tôi để phương châm: giá thành hạ, độ bền cao, dễ sử dụng, dễ sửa chữa, đồng thời có khuyến mại đó là cho trả chậm cho bà con vì bà con không có vốn.
Từ chỗ đói nghèo, đến nay, nhiều hộ dân ở Yên Bái đã trở thành tỷ phú; tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh hiện chỉ còn xấp xỉ 13%. Cuộc sống no đủ hơn, người dân Yên Bái có điều kiện nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, từ đó đưa chỉ số hạnh phúc toàn tỉnh đạt hơn 62%, ở mức 2 (là mức khá hạnh phúc).
65 năm đã trôi qua, nhưng lời dạy bảo ân cần của Bác vẫn được mỗi người dân Yên Bái khắc ghi, để rồi hôm nay, đồng bào các dân tộc nơi đây có thể tự hào về những thành quả đã đạt được, từng bước đưa Yên Bái trở thành một tỉnh khá nhất của các tỉnh miền núi như Bác từng đề nghị./.
Viết bình luận