Ông Từ Đức Lợi là một trong những hộ gia đình có diện tích đất sản xuất nông nghiệp lớn ở ấp Trà Canh A1, xã Thuận Hoà với khoảng 10 ha đất trồng lúa và 10ha đất trồng sen. Do vậy, hàng năm ông luôn sử dụng số lượng lớn thuốc bảo vệ thực vật để phục vụ cho việc sản xuất. Để tránh tình trạng ô nhiễm môi trường từ chai lọ, bao bì thuốc bảo vệ thực vật đã sử dụng, ông thường xuyên thu gom để ở một khu đất trống của gia đình, đồng thời tiêu huỷ bằng cách tự đốt bỏ. Khoảng 2 tháng nay, khi mô hình bể thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng được Hội nông dân xã triển khai, những rác thải đó được ông thu gom và bỏ vào hết trong bể chứa.
Thuận Hoà là xã thuần nông của huyện Châu Thành, đây cũng là địa phương có đông đồng bào Khmer sinh sống. Hiện nay, nông dân địa phương đang trong giai đoạn chăm sóc lúa Hè Thu. Với mô hình thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau thu hoạch, tại các cánh đồng của xã Thuận Hoà giờ đây đã không còn tình trạng bao bì, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng được vứt bỏ tràn lan nữa.
Ông Nguyễn Thành Út, chi hội trưởng chi hội Nông dân ấp Trà Canh A1, xã Thuận Hoà chia sẻ, nông dân ấp Trà Canh A1 chủ yếu làm nghề trồng lúa, sen và hoa màu. Nếu như trước đây, chỉ có vài người có ý thức thu gom rác thải thuốc bảo vệ thực vật tránh làm ô nhiễm môi trường nguồn nước thì phần lớn người dân tiện tay vứt bỏ ngay tại ruộng sau khi sử dụng xong. Với mô hình bể thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật được triển khai hơn 2 tháng nay, bước đầu đã thay đổi được nhận thức và thói quen của các hộ nông dân về bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất nông nghiệp.
"Từ khi triển khai cái bể này thì bà con mình cũng dần dần bỏ vào bể. Đó là khả thi bước đầu. Tuy vậy đối với hội viên nhận thức tuy rằng có xấu nhưng cũng còn vài trường hợp còn vứt bỏ vì vậy mà mình tiếp tục tuyên truyền theo kiểu mưa dầm thấm lâu, nói hoài, tôi nghĩ rằng, nếu 10 người thì có 7 người làm rồi thì 3 người kia cũng phải làm theo thôi." - Ông Út cho biết.
Trong sản xuất nông nghiệp hiện nay việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ dịch hại, bảo vệ năng suất, tăng sản lượng cây trồng là yếu tố quan trọng. Đáng chú ý, phần lớn bao bì thuốc bảo vệ thực vật đều được làm từ nilon, nhựa rất khó phân hủy, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng vẫn còn tồn dư một lượng thuốc bảo vệ thực vật nhất định, nếu vứt bỏ không đúng nơi quy định sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường và sức khoẻ của con người. Vì vậy, việc thu gom, xử lý vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật đúng quy định, sẽ góp phần giảm tác động xấu, hạn chế những hệ luỵ tiềm ẩn về sức khoẻ và đảm bảo môi trường sản xuất nông nghiệp ổn định, an toàn.
Ông Sơn Minh Hoàng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thuận Hoà cho biết, mô hình bể thu gom bao bì, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật qua sử dụng được triển khai tại địa phương từ đầu vụ lúa Hè Thu năm nay do phòng Nông nghiệp và PTNT và phòng Tài nguyên và Môi trường huyện hỗ trợ với 45 bể chứa đặt tại các ấp. Chu kỳ khoảng trên 3 tháng một lần sẽ thu gom các vỏ bao bì, thuốc bảo vệ thực vật tại các bể chứa đến nơi xử lý theo quy định. Thời gian qua, Hội nông dân xã luôn đẩy mạnh công tác phối hợp với các đoàn thể, Ban nhân dân ấp tổ chức tuyên sâu rộng đến toàn thể nhân dân về tác hại của rác thải bảo vệ thực vật cũng như hướng dẫn người dân phân loại rác thải, thu gom đúng nơi quy định.
Việc bố trí bể thu gom thuốc bảo vệ thực vật, giúp người nông dân thay đổi dần thói quen không còn vứt rác thải còn tồn dư chất độc hại trực tiếp ngay tại bờ ruộng, góc vườn sau khi sử dụng, góp phần chung tay cùng hoàn thiện tiêu chí môi trường đối với xã Thuận Hòa trong việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương./.
Viết bình luận