Hòa Bình: Di dời dân khỏi vùng nguy cơ sạt lở
Chủ nhật, 04:33, 06/10/2024 Nguyễn Mạnh Phương/VOV1 Nguyễn Mạnh Phương/VOV1
VOV4.VOV.VN: Vừa qua do ảnh hưởng của mưa lớn kéo dài dẫn đến nguy cơ sạt lở đất cao, tỉnh Hòa Bình đã tiến hành sơ tán 2.300 hộ dân. Đến thời điểm hiện tại, đã có gần 2000 hộ quay về chỗ ở cũ, hiện còn 355 hộ vẫn đang ở nơi sơ tán đảm bảo an toàn. Thực tế này cho thấy việc đảm bảo an toàn cho người dân sinh sống trong vùng nguy cơ sạt lở đang được các cấp, các ngành ở tỉnh Hòa Bình đặc biệt quan tâm.

 

Trước tình hình khẩn cấp, đảm bảo an toàn về người và tài sản cho nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình đã công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai gây sạt lở đất tại các khu dân cư trên địa bàn tỉnh Hòa Bình gồm khu vực xóm Rài, xã Tuân Đạo, huyện Lạc Sơn và xóm Rằng, xã Cao Sơn, huyện Đà Bắc, người dân đã được sơ tán, di dời đến khu vực đảm bảo an toàn. Huyện Mai Châu có 120 hộ dân sinh sống trong khu vực nguy hiểm nguy cơ sạt lở cao phải di dời khẩn cấp và có 33 hộ hộ nằm trong vùng nguy cơ sạt lở có nhu cầu di dời trong thời gian tới.

Ông Phạm Văn Hoàn, Chủ tịch UBND huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình, cho biết: "Huyện Mai Châu đất thổ cư ít 2/3 là đồi núi, nên đất làm nhà ít. Các hộ dân thường sống ven đồi núi và thường múc đất ven đồi tạo mặt bằng đề làm nhà. Chính vì vậy UBND huyện đã chỉ đạo các xã tuyên truyền, nhắc nhở người dân không được làm ảnh hưởng đến khu đồi núi đó".

Theo thống kê sơ bộ của tỉnh Hòa Bình, do mưa lớn kéo dài đã gây sạt lở, thiệt hại 2.367 nhà, bị ngập nước gây ảnh hưởng là 1.024 nhà, phải di dời khẩn cấp là 596 nhà. Đến thời điểm hiện tại, các địa phương đã di chuyển một số hộ dân có nguy cơ thấp về rủi ro thiên tai quay trở lại nhà, hiện còn 355 hộ đang ở nơi sơ tán an toàn.

"Qua đây cũng phải rà soát lại, Thường vụ Tỉnh ủy cũng ra kết luận phải lập đề án ổn định dân cư lâu dài, kể cả tái định cư xen ghép, tái định cư tại chỗ cũng phải đảm bảo ổn định, tránh tình trạng cho xen ghép nhưng năm sau lại phải di chuyển. Quan điểm của tôi chỗ nào có nguy cơ không cho xen ghép mà phải di chuyển đến nơi an toàn", ông Trần Quốc Toản, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Hòa Bình, cho biết.

Hoà Bình có gần 4000 hộ dân nằm trong khu vực bị ảnh hưởng, có nguy cơ cao về lũ quét, sạt lở đất cần di dân tái định cư theo Quyết định 590 của Thủ tường Chính phủ. Thời gian qua, các cấp, các ngành ở tỉnh Hòa Bình đã có nhiều cố gắng di dời các hộ dân nhưng trong quá trình triển khai thực hiện vẫn còn nhiều vướng mắc. Trong giai đoạn 2021-2024, tỉnh Hòa Bình mới bố trí di dời dân theo hình thức tập trung được 373 hộ. Theo ông Nguyễn Hồng Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Hòa Bình nguyên nhân chậm trễ là do: Nguồn vốn Trung ương còn hạn chế không có kinh phí đền bù giải phóng mặt bằng. Cùng với đó, còn có nguyên nhân chủ quan trong phân cấp cơ chế quản lý giữa các sở ngành và cấp huyện chưa thật sự rõ ràng. Cơ chế chính sách còn chậm đổi mới, chưa theo kịp phát triển xã hội.

Để giảm thiểu nguy cơ rủi ro, với phương châm “phòng là chính”, UBND tỉnh Hòa Bình đang tiến hành rà soát và xây dựng bản đồ cảnh báo lũ quét, sạt lở đất trên địa bàn tỉnh. Lập Đề án di dời dân cư ra khỏi các khu vực có nguy cơ sạt lở và xây dựng khu tái định cư, bố trí kinh phí từ Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030./.

 

Nguyễn Mạnh Phương/VOV1

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC