Hội thảo: Triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS vùng ĐBSCL
Thứ ba, 16:33, 05/04/2022 Thu Ha bt- 4 ảnh Thu Ha bt- 4 ảnh
VOV4.VN - Sáng nay 5/4, tại Sóc Trăng, Ủy ban Dân tộc phối hợp với Hội đồng Dân tộc của Quốc Hội, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng tổ chức Hội thảo: “Triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 khu vực đồng bằng sông Cửu Long”.

 

Dự và chủ trì hội thảo có ông Phạm Bình Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; ông Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội; ông Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Bà Bùi Thị Minh Hoài, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương; ông Hầu A Lềnh, Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc.

Ông Hầu A Lềnh Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc.

Những năm qua, được sự chỉ đạo sát sao của trung ương, cùng với sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp và sự nỗ lực phấn đấu của nhân dân, vùng đồng bằng sông Cửu Long đã có những chuyển biến tích cực, đạt được nhiều thành tựu trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị và bảo đảm quốc phòng, an ninh. 

Tuy nhiên, trong vùng còn rất nhiều vấn đề đặt ra, như: tỷ lệ hộ nghèo còn hơn 12%, cận nghèo 11,9%; còn 23,3% đồng bào Khmer trên 15 tuổi không biết đọc, biết viết tiếng Việt; 93% lao động không có chuyên môn kỹ thuật; 18,9% số hộ đang ở nhà tạm bợ… Đây là những điểm nghẽn, khó khăn, thách thức cần phải được giải quyết, tháo gỡ trong Chương trình mục tiêu quốc gia tới đây.

Để đồng bào dân tộc thiểu số vùng Đồng bằng Sông Cửu Long phát triển nhanh, bền vững, phát huy được tiềm năng lợi thế so sánh, xứng đáng với vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng của mình, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, cho rằng: Cần tập trung phát triển nguồn nhân lực, đây là vừa là mục tiêu, vừa là động lực để khai thác tiềm năng, lợi thế đặc thù riêng  có của đồng bào dân tộc thiểu số trong khu vực ĐBSCL, đồng thời phát huy tinh thần tự lực phấn đấu vươn lên của người dân để phát triển nhanh và bền vững. Thứ hai, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, đồng bộ, trong đó, chú trọng xây dựng hạ tầng nông thôn đảm bảo tất cả các xã có đường giao thông đi lại  thuận lợi, có điện, hệ thống cấp nước, trạm xá, bưu điện, các cơ sở, dịch vụ sản xuất thiết yếu…

Các đại biểu dự Hội thảo đã tập trung thảo luận các nhiệm vụ, giải pháp của Chương trình, xác định rõ những giải pháp đặc thù trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nói riêng và các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2021-2025 nói chung; công tác lập kế hoạch, tổ chức thực hiện; công tác kiểm tra, giám sát; việc lồng ghép nguồn lực của địa phương, đặc biệt là lồng ghép trong việc triển khai thực hiện các dự án, tiểu dự án của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội.

Phát biểu chỉ đạo Hội thảo, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh, đánh giá, Hội thảo có ý nghĩa, thiết thực trong bối cảnh năm 2022 là năm bản lề, tạo nền tảng để thực hiện các mục tiêu đã đề ra tại Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, là năm đầu thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, tình hình quốc tế, khu vực có nhiều biến động khó lường.

Chương trình mục tiêu quốc gia về dân tộc thiểu số và miền núi có ý nghĩa vô cùng to lớn, vừa góp phần kích thích cung cầu, tạo việc làm, phát triển sản xuất, kinh doanh, vừa mang ý nghĩa quan trọng về an sinh xã hội, đặc biệt là đối với các đối tượng yếu thế, các hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn tại các vùng sâu, vùng xa. 

Phó Thủ tướng thường trực Phạm Bình Minh kết luận Hội nghị Hội thảo.

Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh đề nghị: các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương khẩn trương xây dựng, ban hành đồng bộ các thông tư, hướng dẫn để triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia; bám sát, đồng hành cùng địa phương tổ chức triển khai thực hiện tốt các chương trình, đáp ứng nhu cầu cấp thiết của đồng bào. Các Bộ, ngành, địa phương phải có quyết tâm chính trị cao nhất, tập trung nguồn lực, công sức, trí tuệ để triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia. Phấn đấu giải ngân 100% vốn, kế hoạch được giao, đặc biệt lưu tâm đến giải pháp lồng ghép từ các nguồn vốn của các chương trình MTQG, chương trình, đề án khác để thực hiện các chương trình trên cùng một địa bàn, đảm bảo tránh chồng chéo, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả nguồn lực.

Nhân dịp Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh chúc đồng bào, đồng chí, các vị chư tăng, đồng bào dân tộc Khmer đón Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây năm 2022 an yên, hạnh phúc.

Đại diện lãnh đạo 9 tỉnh, thành có đông đồng bào Khmer nhận quà hỗ trợ các hộ dân tộc thiểu số.

Dịp này, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh và Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã trao tặng quà của Ngân hàng Thương mại cổ phần ngoại thương Vietcombank hỗ trợ các hộ gia đình người dân tộc thiểu số nghèo 9 tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long./.

Thạch Hồng- Sa Oanh/VOV ĐB Sông Cửu Long

Thu Ha bt- 4 ảnh

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC