Nắng tháng 8 rải vàng khắp những ngọn núi, triền đồi, nương rẫy. Mùa tựu trường thôi thúc học trò vùng cao nhanh chân đến lớp. Sau 3 tháng hè yên ắng, dưới chân núi đá Yên Hợp vang lên tiếng ê a đọc chữ của các em học sinh lớp 1, trường Tiểu học và Trung học cơ sở Thượng Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình. Theo chương trình giáo dục năm nay, học sinh lớp 1 tựu trường trước 2 tuần làm quen với từng con số, nét chữ, sẵn sàng cho ngày khai giảng năm học mới.
Trong khuôn viên trường, các thầy cô giáo cũng tất bật với việc vệ sinh, trang trí trường, lớp, chuẩn bị cơ sở vật chất để đón học sinh tựu trường. Những ngày này, cô giáo Đinh Thị Thu Hằng, trường Tiểu học và Trung học cơ sở Thượng Hóa bận rộn hơn với việc dạy chữ cho các em học sinh theo chương trình dạy tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số trước thềm năm học mới.
Từ sáng sớm, cô giáo Đinh Thị Thu Hằng đã vào bản làng người Rục (dân tộc Chứt) gọi các em học sinh lớp 1 đến trường. Đa số các em là người đồng bào dân tộc thiểu số, sự tiếp cận và hiểu biết các vấn đề xã hội còn rất hạn chế. Các em còn rụt rè, chưa mạnh dạn trong giao tiếp. Cá biệt, một số em sử dụng Tiếng Việt chưa thành thạo cùng với việc thiếu sự quan tâm của phụ huynh đang là rào cản lớn ảnh hưởng đến việc học tập của các em.
Cô Hằng tâm sự: “Các em bước vào lớp 1 chuyển từ hoạt động chủ đạo là chơi sang hoạt động học tập, do đó đầu tiên chúng tôi ổn định nề nếp, sau đó tiến hành ôn tập các kiến thức ví dụ như bảng chữ cái và các con số. Tiếp theo, thầy cô sẽ cho các em làm quen với những nét chữ cơ bản. Khi các em tới trường thì cô phải luôn gần gũi, nhẹ nhàng và quan tâm giao tiếp thường xuyên với các em và tạo cho các em môi trường giao tiếp bằng Tiếng Việt nhiều hơn”.
Sắp đến ngày khai giảng, các thầy, cô giáo trường Tiểu học và Trung học cơ sở Thượng Hóa đến trường sớm hơn và về nhà muộn hơn thường ngày. Các thầy, cô mang về trường thêm nhiều cây xanh để trồng trong khuôn viên trường, tạo bóng mát giúp học sinh vui chơi, học tập.
Thầy giáo Phan Thế Dũng, Hiệu trưởng trường Tiểu học và Trung học cơ sở Thượng Hóa cho biết, nhà trường hiện có 3 điểm trường, trong đó điểm trường chính đóng tại bản Yên Hợp, 2 điểm còn lại đóng tại bản Ón và bản Mò O- Ồ Ồ. Năm học mới này, trường có 10 lớp Tiểu học và 4 lớp Trung học cơ sở với tổng số 161 học sinh. Các em đều là con em người dân tộc Chứt, hoàn cảnh gia đình khó khăn. Đầu năm học này, giáo viên không chỉ thực hiện tốt chuyên môn giảng dạy mà còn phải nắm bắt hoàn cảnh gia đình, tâm sinh lý của từng học sinh. Từ đó thấy được những hạn chế mà các em đang gặp phải để có biện pháp hỗ trợ kịp thời, giúp các em có điều kiện học tập. Trước tình hình chung thiếu giáo viên ở một số môn học, nhà trường đã vận dụng, sắp xếp, điều chuyển linh hoạt giáo viên để các lớp đều đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ trong năm học mới này.
Thầy giáo Phan Thế Dũng cho biết: “Trong năm học 2024-2025 này thì cơ bản cơ sở vật chất của nhà trường đảm bảo để thực hiện công tác dạy và học. Trong tình hình chung đang thiếu giáo viên, đối với trường trong năm học này đặc thù có những môn học chưa đủ tiết và những môn chuyên biệt xảy ra vấn đề chưa đồng đều trong số tiết học, nhà trường đã linh động điều động giáo viên ở cấp THCS về dạy cấp Tiểu học để thực hiện công tác dạy và học, nhất là những môn đang có những khó khăn trong tìm giáo viên”.
Trước khi bước vào năm học mới 2024-2025, huyện miền núi Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình đã rà soát hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị của các trường. Trên cơ sở đó, địa phương vận dụng nguồn kinh phí lồng ghép từ các chương trình, dự án để đầu tư nâng cấp, tu sửa các trường học, phòng chức năng, khuôn viên, mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác dạy và học. Huyện Minh Hóa cũng chỉ đạo Phòng Nội vụ và Phòng Giáo dục và Đào tạo tiến hành sắp xếp, bố trí, cân đối đội ngũ giáo viên, bảo đảm cho việc dạy học đạt hiệu quả, chất lượng. Trước mắt, địa phương này sắp xếp, điều chuyển linh hoạt các giáo viên hiện có để từng bước khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, đặc biệt là tình trạng thiếu giáo viên các môn Tiếng Anh, Tin học. Ông Trần Minh Triết, Phó Trưởng phòng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình cho biết, trước khi bước vào năm học mới, đơn vị đã chỉ đạo các trường thực hiện tốt công tác tuyển sinh, sau khai giảng sẽ tiến hành rà soát kiểm tra chất lượng đầu vào ở các cấp.
Ông Triết nói: “Phòng chỉ đạo các nhà trường vệ sinh trường lớp sạch sẽ, đảm bảo vệ sinh chuẩn bị đón năm học mới và tổ chức khai giảng năm học mới vui vẻ, đảm bảo an toàn tiết kiệm và đầy đủ ý nghĩa của ngày khai giảng. Năm học này giáo viên Tiếng Anh và Tin học còn thiếu, đơn vị rà soát bố trí đội ngũ, chỉ đạo các trường bố trí giáo viên dạy liên trường, hỗ trợ từ cấp 2 xuống cấp tiểu học để đảm bảo đội ngũ trực tiếp giảng dạy các chương trình, các bộ môn trong trường học”.
Năm học mới này, tỉnh Quảng Bình có hơn 246.000 học sinh, tăng 50 lớp và tăng gần 2.900 học sinh so với năm học trước. Tổng biên chế sự nghiệp giáo dục và đào tạo trong các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh năm 2024 hơn 16500 người, còn thiếu 1.311 biên chế giáo viên. Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên đầu năm học mới, tỉnh Quảng Bình đã bổ sung 914 chỉ tiêu giảng dạy hợp đồng. Như vậy bước vào năm học mới này, tỉnh Quảng Bình thiếu gần 400 giáo viên tại các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập.
Hiện nay, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy học tại một số cơ sở giáo dục ở địa phương này còn thiếu, chưa đồng bộ. Tỷ lệ kiên cố hóa trường, lớp học còn thấp so với nhu cầu, nhất là trường mầm non. Các trường thuộc vùng kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn tình trạng nhiều phòng học tạm, phòng học đã xuống cấp.
Đầu năm học mới, Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Bình tiếp tục phối hợp với các địa phương tập trung khắc phục tình trạng thiếu giáo viên cục bộ, huy động các nguồn lực đầu tư trang thiết bị dạy và học, nỗ lực xóa phòng học tạm ở miền núi, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo.
Ông Đặng Ngọc Tuấn, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Bình cho biết: “Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, chuyển đổi số... đòi hỏi phải đảm bảo cơ sở hạ tầng nhưng hiện chưa đáp ứng được cho việc ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học, nhất là ở các huyện miền núi, việc này rất khó. Ngành cũng đã đề nghị các huyện quan tâm trang bị cơ sở hạ tầng cho ngành Giáo dục đào tạo, nỗ lực vượt qua khó khăn trong năm học mới. Chúng tôi cũng có những bước chuẩn bị và các kế hoạch đặt ra trong năm học mới này”.
Viết bình luận