Nâng cao chất lượng tuyên truyền tới đồng bào DTTS vùng Tây Nguyên
Thứ hai, 00:00, 31/10/2016

(VOV) - Hội thảo“ Giải pháp nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền trong đồng bào dân tộc thiểu số vùng Tây Nguyên hiện nay” vừa được tổ chức tại Đắc Lắc.


 

Tham luận của các nhà khoa học, nhà quản lý đã đặt ra nhiều vấn đề đối với vùng Tây Nguyên, đó là: “Vai trò của Ban dân vận trong công tác truyên truyền vận động”, “Vấn đề tà đạo, đạo lạ và những yêu cầu  đặt ra đối với công tác tuyên truyền”, “Giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, yếu tố góp phần nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền trong đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên”…


Ông Đặng Văn Tin, Vụ Văn hóa – Xã hội, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, cho rằng: "Hiện nay, một bộ phận đồng bào còn mơ hồ về tổ chức phản động Fulro lưu vong kích động mưu đồ thành lập nhà nước Đề-ga ở Tây Nguyên; xuất hiện các tà đạo cực đoan chống đối Đảng, Nhà nước; có nơi, có lúc người dân còn thiếu tin tưởng vào cán bộ, nhận thức về chính sách đại đoàn kết còn hạn chế; một số nơi đồng bào còn ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước... đã và đang trở thành những thách thức lớn trong việc xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc ở Tây Nguyên trước mắt cũng như lâu dài".

 

Cần nêu cao vai trò của các già làng, người có uy tín trong công tác tuyên truyền ở Tây Nguyên

 

Theo bà Trần Thị Tuyết Minh, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Phước, để nâng cao nhận thức trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số thì chất lượng công tác tuyên truyền là rất quan trọng. Tuyên truyền phải hướng về cơ sở, giải quyết các vấn đề nảy sinh từ cơ sở, trong đó, xác định dân tộc, tôn giáo là các yếu tố tác động cơ bản để tập trung nội dung tuyên truyền; các biện pháp tuyên truyền phải phù hợp với phong tục tập quán của từng dân tộc, trong đó vai trò của các già làng, trưởng bản rất quan trọng.

 

Vùng Tây Nguyên hiện có khoảng 5,6 triệu người, với 54 dân tộc cùng sinh sống, trong đó dân tộc thiểu số chiếm khoảng 36%.  Những năm qua, kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên có bước phát triển đáng kể. GDP toàn vùng năm 2015 tăng 3,2 lần so với năm 2011. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân các dân tộc trong vùng không ngừng được cải thiện.

Tuy nhiên, so với cả nước, Tây Nguyên vẫn là vùng khó khăn, tình trạng tái nghèo và cận nghèo còn cao, trình độ dân trí của một bộ phận dân cư còn thấp, nhất là vùng dân tộc thiểu số.


 

Hương Lý/VOV-Tây Nguyên

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC