Nguy cơ bùng phát dịch lỵ ở Phong Thổ
Thứ tư, 00:00, 24/05/2017
VOV4.VN - Tại bàn xã Ma Ly Chải, huyện biên giới Phong Thổ, tỉnh Lai Châu, đã xuất hiện lỵ trực trùng trên người. Số người mắc bệnh đã lan rộng và bùng phát thành ổ dịch lỵ, một người tử vong.

 

Địa bàn có người dân mắc bệnh lỵ là các bản của đồng bào Hà Nhì. Ban đầu, chỉ lác đác người mắc bệnh, nhưng đến nay đã bùng phát thành ổ dịch tại 4 bản. Khoảng 60 người được khám lâm sàng, điều trị tại cơ sở y tế, trong đó một người đã tử vong.

 

Tại Trung tâm Y tế huyện Phong Thổ, bệnh nhân Lò Dừ Giá, ở bản Tả Chải, kể: "Lúc ở nhà tôi bị đau bụng đi ngoài ra máu. Cán bộ y tế xã cho uống thuốc 7 ngày nhưng không khỏi, giờ xuống viện là đỡ rồi. Bây giờ về nhà thì vệ sinh sạch sẽ và ăn uống là ăn chín, uống nước sôi thôi".

 

Đảm bảo vệ sinh môi trường sống và nguồn nước là biện pháp phòng tránh dịch bệnh

 

Theo cơ quan chức năng địa phương, nguyên nhân là do đồng bào Hà Nhì ở đây ăn ở mất vệ sinh. Tình trạng phóng uế bừa bãi khá phổ biến, khi tỷ lệ sử dụng nhà tiêu mới chỉ có 7%. Nước sinh hoạt của bà con được lấy từ các mạch ngầm dẫn vào bể chứa tập trung, không qua xử lý và đa phần người dân uống nước trực tiếp, dẫn đến bệnh lây lan nhanh.

 

Ngay sau khi xuất hiện các trường hợp mắc bệnh, ngành Y tế Lai Châu đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn khoanh vùng dịch; lấy mẫu xét nghiệm, cho kết quả dương tính với trực khuẩn lỵ trực trùng (Shigella flexneri). Để hạn chế dịch lây lan trên diện rộng và kéo dài, hạn chế số ca mắc mới cũng như các trường hợp tử vong, ngành Y tế Lai Châu đã cử cán bộ chuyên môn về cơ sở, phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện các giải pháp cấp bách như tuyên truyền, hướng dẫn người dân vệ sinh cá nhân, ăn chín, uống sôi; đào hố đi vệ sinh tập trung; khử khuẩn môi trường, nguồn nước bằng Cloramin B...

 

Bà Trần Thị Liên, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Lai Châu, cho biết đến nay, vùng dịch cơ bản đã được kiểm soát. Ngành đã có công văn đề nghị chính quyền huyện Phong Thổ hỗ trợ người dân xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh, thùng chứa nước ăn tại gia đình, xà phòng để rửa tay thường xuyên, cũng như hóa chất để khử khuẩn các thiết bị chứa nước và môi trường, để hạn chế lây truyền mầm bệnh. Ngành đã hỗ trợ thuốc kháng sinh điều trị dự phòng cho các đối tượng nguy cơ cao tại xã để hạn chế các ca bệnh mắc mới.

 

Bệnh lỵ trực trùng lây qua đường tiêu hóa, trong khi hiện nay đang bước vào mùa mưa ở vùng cao Tây Bắc, nên nguy cơ bùng phát dịch lỵ cũng như nhiều bệnh dịch trên người là rất cao và khó kiểm soát. Vì vậy, để hạn chế dịch lỵ và các loại dịch khác, người dân cần ý thức hơn trong việc thay đổi tập quán sinh hoạt, nhất là trong ăn uống.

 

 

 

 

Khắc Kiên/VOV-Tây Bắc

 

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC