Bàn tay gầy guộc lần theo những ống bơm nước dẫn từ rẫy cà phê hơn 1ha ra tới suối Đắk Sôr, ông Lê Quang Lâm, ở thôn Quảng Thành, xã Đắk Sôr, huyện Krông Nô xem xét từng cút nối giữa các đoạn ống. Từ rẫy nhà ông ra tới suối phải nối tới hơn mười cuộn ống (mỗi cuộn dài 50m), do đó, ông phải kiểm tra, đảm bảo chúng được nối cẩn thận. Thời điểm này, suối Đắk Sôr đoạn gần rẫy cà phê nhà ông Lâm đã trơ đá và cát, không còn nước để tưới.
Nhưng từ công ty thủy nông, ông Lâm nhận được thông tin đáng mừng, đó là chừng vài ngày nữa sẽ có nước từ hồ thủy lợi thuộc huyện Đắk Mil xả về suối Đắk Sôr. Ông Lâm cũng như nhiều hộ đã lắp sẵn bơm, ống, chuẩn bị sẵn sàng đón nước cứu cây trồng.
“Tôi lo lắng nên hôm bữa đến giờ ăn ngủ không được. Suối cạn từ hôm mùng 6 Tết đến giờ rồi. Mong mỏi nước về để tưới cà phê để khỏi hư trái. Năm nay thấy hạn hơn, mấy năm là nước chảy liên tục không bị khô”. - Ông Lê Quang Lâm cho biết.
Suối Đắk Sôr là một trong những dòng suối lớn nhất tại huyện Krông Nô, chảy qua 2 xã Đắk Sôr và Nam Xuân. Trên dòng suối này có 3 công trình thuỷ lợi là 3 đập dâng nhằm giữ nước phục vụ tưới trong mùa khô cho cây trồng.
Thế nhưng thời điểm này, 3 đập dâng nói riêng và cả dòng suối Đắk Sôr nói chung đã khô kiệt, khoảng 1.300 - 1.500ha cây công nghiệp của bà con nông dân dọc theo suối đối mặt với hạn hán. Nhiều vườn cà phê của người dân trong vùng vì thiếu nước đã có hiện tượng chết cành, nhiều nông dân ăn ngủ không yên vì lo hạn hán.
Ông Nguyễn Văn Đại, Giám đốc chi nhánh huyện Krông Nô, Công ty Khai thác công trình thuỷ lợi Đắk Nông cho biết, năm nay tình hình khô hạn diễn ra khốc liệt hơn nhiều năm. Mực nước ở cả 33 công trình thủy lợi trên địa bàn đơn vị quản lý đều đã giảm sâu so với mọi năm, cục bộ một số nơi đã khô kiệt.
Công ty đã phối hợp với các cơ quan chức năng, làm việc với các huyện lân cận như Đắk Mil, Đắk Song, có nguồn nước còn tương đối ổn định, tiến hành điều tiết về huyện để giúp dân cứu cây trồng.
Tuy nhiên, việc điều tiết chỉ có thể giúp người dân có nước tưới cho cây trồng đến đợt tưới nước thứ 4, đến cuối tháng 4. Còn sang tháng 5, nếu tình hình khô hạn vẫn xảy ra khốc liệt thì hàng nghìn ha cây trồng sẽ đối mặt với khô hạn.
Ông Doãn Gia Lộc, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông cho biết, vụ đông xuân này huyện có khoảng 4.600ha cây hàng năm, cùng với đó huyện có gần 30.000ha cây công nghiệp.
Mùa khô năm nay đã được dự báo trước sẽ diễn ra khốc liệt, do đó huyện đã triển khai nhiều giải pháp để tăng cường khả năng chống hạn như chuyển đổi giống cây trồng, sản xuất tập trung, hướng dẫn người dân sử dụng nước tiết kiệm, nạo vét kênh mương.
Tuy nhiên, mới cuối tháng 2 nhưng cục bộ đã xuất hiện hiện tượng thiếu nước tưới thì việc mùa khô kéo dài đến tháng 5, tháng 6, một số diện tích cây trồng tại địa bàn các xã như Đắk Sôr, Nam Nung, Nam Xuân, Tân Thành sẽ đối mặt với khô hạn. Huyện Krông Nô đang làm việc với các đơn vị chức năng để tăng cường nguồn nước tưới cho các vùng có khả năng bị hạn.
Huyện Krông Nô đã làm việc với các công ty thủy điện trên sông Krông Nô như: Thủy điện Buôn Kuốp, Thủy điện Chư Pông Krông để chủ động điều tiết nước trong mùa khô hạn này, tránh tình trạng lúc dân cần thì thủy điện không xả nước mà lúc thủy điện xả nước thì dân lại không biết để dùng.
“Chúng tôi cũng đã dự báo tình hình từ nay đến cuối vụ nhu cầu nước tưới sẽ tăng cao, nhưng nguồn phục vụ sẽ cạn dần đi. Nên huyện đã phối hợp với các đơn vị như Công ty thuỷ điện Buôn Kuốp, Công ty khai thác công trình thuỷ lợi Đắk Nông, và một số công trình hồ thủy điện trên địa bàn, xây dựng lịch điều tiết nước tưới cho hạ du sông Krông Nô, trong đó, có 7 xã ven sông là ảnh hưởng trực tiếp, điều tiết nước tưới cho phù hợp”. - Ông Doãn Gia Lộc cho hay.
Viết bình luận