Phong trào vệ sinh yêu nước góp phần đẩy lùi dịch bệnh tại các vùng khó khăn
Thứ tư, 08:18, 14/08/2024 Minh Huệ/VOV Tây Nguyên Minh Huệ/VOV Tây Nguyên
VOV4.VOV.VN: Những năm qua, phong trào “Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân” đã nhận được sự quan tâm tham gia của các cấp chính quyền, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội, cộng đồng người dân, góp phần hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là tại các vùng khó khăn như Tây Bắc, Tây Nguyên. Đây là thông tin tại buổi mít tinh hưởng ứng "Ngày Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân" năm 2024 và phát động cuộc thi "Cơ sở y tế Xanh - Sạch - Đẹp" lần thứ nhất do Bộ Y tế phối hợp với UBND tỉnh Đắk Nông vừa được tổ chức tại thành phố Gia Nghĩa.

 Phát biểu tại buổi lễ, Phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Thị Liên Hương - Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, ngày 26/11/2012, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 29/CT-TTg về việc triển khai Phong trào Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân, trong đó chỉ đạo “Thực hiện phong trào vệ sinh yêu nước nâng cao sức khoẻ nhân dân là trách nhiệm của tất cả các cấp, các ngành, mỗi đơn vị, mỗi người dân”.

Trong nhiều năm qua, Bộ Y tế phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị xã hội thường xuyên tổ chức phát động chiến dịch hưởng ứng “Ngày Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân” theo các chủ đề ưu tiên để giải quyết những vấn đề cấp thiết về vệ sinh liên quan đến sức khỏe và với sự đồng thuận, hưởng ứng của nhân dân đã đạt được nhiều kết quả quan trọng đáng khích lệ.

Cụ thể, đến năm 2023 tỷ lệ hộ gia đình nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh tăng từ 57% năm 2012 lên 82%; Tỷ lệ chất thải y tế được xử lý tại bệnh viện đạt tỷ lệ khoảng 97%; Gần 80% cơ sở cấp nước sinh hoạt được kiểm tra, giám sát theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; tất cả các đơn vị trong ngành y tế đã phát động và thực hiện công tác truyền thông phong trào “Xây dựng cơ sở y tế xanh - sạch - đẹp, giảm thiểu chất thải nhựa”; Tình hình ngộ độc thực phẩm đang được kiểm soát.      

Hiệu quả tích cực của phong trào đã góp phần thay đổi hành vi vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường và cải thiện nước sạch cho người dân trong cộng đồng; góp phần giảm tỷ lệ các bệnh truyền nhiễm liên quan đến vệ sinh và nước sạch như bệnh tiêu chảy, bệnh lỵ trực trùng, bệnh thương hàn, viêm não, bệnh tay chân miệng. Tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi ở mức dưới 20% được xếp vào mức trung bình theo phân loại của Tổ chức Y tế Thế giới.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương nêu rõ: “Thói quen, hành vi về vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường của cộng đồng đã có sự thay đổi cơ bản: tỷ lệ người dân rửa tay với xà phòng tăng gấp 2 lần sau 10 năm triển khai; tỷ lệ hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh đã đạt 82%, đặc biệt tại là Tây Bắc, Đông Bắc và Tây Nguyên là ba vùng đã đạt trên 72% hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh. Công tác đảm bảo nước sạch, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh lao động và phòng chống bệnh nghề nghiệp, vệ sinh trong cơ sở y tế, cơ sở giáo dục đã từng bước được cải thiện. Các kết quả này đã góp phần giảm đáng kể các bệnh truyền nhiễm gây dịch ở nước ta...”

Tại buổi mít tinh, Bộ Y tế chính thức phát động cuộc thi Cơ sở y tế xanh -sạch - đẹp lần thứ I (từ 15/08/2024 đến 31/05/2025). Cuộc thi nhằm phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, hăng hái thi đua của các cơ sở y tế trên toàn quốc, góp phần bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế và sức khỏe cộng đồng./.

Minh Huệ/VOV Tây Nguyên

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC