Quảng Nam ngăn chặn, khống chế dịch tả lợn Châu Phi
Thứ hai, 09:27, 12/08/2024 Tuyết Lê/VOV Miền Trung Tuyết Lê/VOV Miền Trung
VOV4.VOV.VN: Mấy tháng qua, dịch tả lợn Châu Phi tại tỉnh Quảng Nam bùng phát trở lại. Hiện tại, vẫn còn 15 xã của 7 huyện dịch tả lợn Châu Phi chưa qua 21 ngày. Ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Nam đang phối hợp các địa phương khẩn trương giám sát, đôn đốc, tổ chức thực hiện các biện pháp phòng chống dịch tả lợn Châu Phi, không để dịch lây lan.

Ông BNướch, dân tộc Cơ Tu ở thôn Cà Lai, xã Cà Dy, huyện miền núi Nam Giang nuôi 7 con lợn nái. Giữa tháng 7, đàn lợn có dấu hiệu bỏ ăn, xuất hiện nốt đỏ trên thân, suy kiệt rồi chết, ông BNướch liền báo chính quyền địa phương. Qua kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm, cơ quan chức năng xác định số lợn của gia đình ông BNướch bị bệnh dịch tả lợn Châu Phi phải tiêu huỷ để tránh lây lan. Ông BNướch cho biết số lợn bị dịch chết phải tiêu huỷ, ước tính hơn 30 triệu đồng.

Ông BNướch kể: “Đàn lợn 7 con, lợn sinh sản, giờ dịch bệnh chết hết. Mong muốn Nhà nước quan tâm, hỗ trợ để gia đình có kinh phí mua lại lợn nuôi, nông dân chủ yếu dựa vào chăn nuôi mà giờ lợn chết hết rất khó khăn. Lúc đầu đàn lợn vẫn ăn bình thường, sáng hôm sau bị co giật, sủi bọt rồi chết. Chúng tôi báo với UBND xã và Phòng nông nghiệp huyện đến kiểm tra. Cán bộ thú y xã đến phun thuốc khử trùng và rải vôi quanh chuồng trại. Hiện gia đình chưa nuôi lại”.

Ông Tôn Thất Nhật, Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật Nông nghiệp huyện Nam Giang cho biết: Dịch tả lợn Châu phi xuất hiện tại địa phương từ tháng 6 ở 5 xã. Trước tình hình này, chính quyền địa phương hướng dẫn người dân vệ sinh, phun thuốc tiêu độc khử trùng chuồng trại, vận động các hộ dân không sử dụng thức ăn thừa để phòng tránh lây lan. Huyện Nam Giang cấp 150 lít hoá chất phun tiêu độc khử trùng, vận động nhân dân mua vôi bột rải quanh chuồng trại.

Ông Tôn Thất Nhật nói: “Trên địa bàn huyện Nam Giang đã xảy ra dịch tả lợn Châu Phi. Chưa có đơn vị kiểm soát, do đó người buôn bán nhỏ dùng xe máy vận chuyển lợn đến vùng sâu, vùng xa đã làm lây lan dịch tả lợn Châu Phi. Trước tình hình này, Trung tâm Kỹ thuật Nông nghiệp huyện đã cử cán bộ xuống phối hợp với địa phương dập dịch; Đồng thời, vận động nhân dân tiêu huỷ, chôn lấp số lợn chết. Hiện nay, 4 trên 5 xã đã qua 21 ngày. Riêng xã Tà Bhing chưa qua 21 ngày nên chưa thể công bố hết dịch được. Chúng tôi vẫn tiếp tục giám sát chặt chẽ. Hiện nay, mọt số bà con trên địa bàn về công tác chăn nuôi chưa đảm bảo an toàn sinh học, chăn nuôi vẫn còn thả rong. Do đó việc lây nhiễm dịch bệnh rất cao”.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam, hiện tại còn 15 xã trên 7 huyện còn dịch tả lợn Châu Phi chưa qua 21 ngày, gồm huyện Hiệp Đức, Bắc Trà My, Đại Lộc, Quế Sơn, Nam Giang, Núi Thành, Phú Ninh. Tổng số hộ có dịch 46 hộ, số lợn bị nhiễm bệnh chết phải tiêu hủy 331 con. Luỹ kế từ đầu năm đến nay, có 1.371 con lợn của 398 hộ chăn nuôi bị bệnh chết phải tiêu huỷ. Nguyên nhân bệnh dịch tả lợn Châu Phi xảy ra tại Quảng Nam là các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ không thực hiện đầy đủ các biện phòng, chống dịch bệnh, vệ sinh, tiêu độc khử trùng.

Để hạn chế lây lan dịch tả lợn Châu Phi, tỉnh Quảng Nam chỉ đạo các địa phương phối hợp kiểm tra giám sát, thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, cấp 9.594 lít hoá chất cho các địa phương tổ chức vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường tại vùng dịch, các vùng trọng điểm, vùng nguy cơ cao để tiêu diệt các loại mầm bệnh, hướng dẫn người dân thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học, mua con giống có nguồn gốc, thực hiện cách ly trước khi nhập đàn mới….

Ông Nguyễn Xuân Vũ, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam cho biết: “Ngành nông nghiệp tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo  đến các địa phương, các ngành có liên quan phòng chống dịch tả lợn Châu Phi. Tuyên truyền vận động đến người dân, các cơ sở chăn nuôi tập trung chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, triển khai tiêm phòng thí diểm dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn khi đủ điều kiện, phun tiêu độc khử trùng, giám sát động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn nhằm khống chế dịch tả lợn Châu Phi một cách tốt nhất”./.

 

 

Tuyết Lê/VOV Miền Trung

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC