Theo đó, chương trình hoạt động tại cụm làng của các dân tộc phía Bắc theo tuyến điểm gần nhau tại không gian văn hóa của các dân tộc Tày, Nùng (Thái Nguyên), Mông (Hà Giang), Dao (Ba Vì, Hà Nội) gồm: hát Then, đàn tính của dân tộc Tày, Nùng; múa khèn của dân tộc Mông cùng các trò chơi kéo co, đi cà kheo, bập bênh...
Tại cụm các dân tộc phía Bắc cùng một địa phương, du khách sẽ được hòa mình vào không gian sắc màu của làng người Thái, người Khơ Mú, thưởng thức ẩm thực địa phương như xôi màu, thịt lợn hấp, gà nướng, thịt trâu hun khói, măng chua...
Ở cụm làng Tây Nguyên, đồng bào dân tộc Jrai, Ê Đê, Xê Đăng, Cơ Tu sẽ trình diễn nhạc cụ truyền thống, dân ca, dân vũ; biểu diễn những tiết mục về quê hương đất nước, khối đại đoàn kết dân tộc.
Tại làng Nam Bộ và điểm tín ngưỡng tâm linh sẽ trình diễn nét di sản văn hóa nghệ thuật Rô băm; các điệu Zom vông, lâm lêu... Đồng thời, giới thiệu trang phục truyền thống, nghề thủ công, các món ăn miền Tây Nam bộ... kết hợp với tín ngưỡng ngôi chùa Khmer Nam Tông, đền tháp của đồng bào Chăm.
Dịp này, đồng bào các dân tộc tại Làng hưởng ứng ngày hội đại đoàn kết tăng cường tổ chức các hoạt động gắn kết giữa các nhóm đồng bào và du khách trong việc giới thiệu quảng bá nét văn hóa dân tộc địa phương, quảng bá nghề thủ công truyền thống và những sản phẩm mang tính ứng dụng để du khách có thể trực tiếp trải nghiệm.
Làng cũng phối hợp tổ chức các hoạt động trong khuôn khổ sự kiện Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam” từ ngày 22-26/11, trong đó có chương trình nghệ thuật khai mạc “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam” năm 2023, Ngày hội trình diễn cây Nêu và giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc Việt Nam lần thứ II năm 2023; các hoạt động giới thiệu di sản văn hóa các tỉnh, Ngày hội giao lưu các dân tộc tại Làng, Triển lãm ảnh “Sắc màu các dân tộc Việt Nam”, Đại lễ dâng y Kathina năm 2023 tại quần thể chùa Khmer…
Viết bình luận