Với diện tích khoảng 4 triệu ha và nằm ở hạ lưu sông Mekong, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vựa lúa lớn có trọng trách đảm bảo an ninh lương thực cho cả nước. Tuy nhiên, ĐBSCL cũng là một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trên thế giới về các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, như hạn hán, xâm nhập mặn do mực nước biển dâng cao, sạt lở bờ sông, lốc xoáy, bão và các rủi ro liên quan đến khí hậu khác. Tác động của biến đổi khí hậu và thiên tai diễn ra gay gắt khiến một vùng lớn lúa, rau màu, cây ăn quả người dân của Sóc Trăng, Trà Vinh và các tỉnh lân cận thuộc ĐBSCL bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhiều hộ dân thiếu nước sinh hoạt, nhất là đồng bào dân tộc Khmer. Thực tế này đòi hỏi người dân phải được nâng cao năng lực, thay đổi thói quen sinh hoạt, chuyển đổi sản xuất… để tăng cường khả năng chống chịu và thích ứng.
Diễn đàn thu hút sự tham gia của các nhà tài trợ, các cơ quan trong và ngoài nước.
Trong đó, tại tỉnh Trà Vinh tình hình khô hạn và xâm nhập mặn diễn ra ngày càng gay gắt, gây thiệt hại nhiều diện tích sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Vụ lúa Đông Xuân 2019-2020, tỉnh Trà Vinh xuống giống hơn 60.000 ha nhưng đã có trên 20.000 ha của hơn 20.000 hộ trồng lúa bị thiệt hại; trong đó, diện tích bị mất trắng chiếm phần lớn.
Với vị trí vùng ven biển vùng đồng bằng sông Cửu Long, Sóc Trăng và Trà Vinh là 2 trong số 10 tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu và nước biển dâng trong tương lai. Ở Sóc Trăng nếu mực nước biển dâng cao thêm 1m, 43,7% diện tích trong tỉnh sẽ bị ngập nước. Việc này sẽ tác động đến hơn 450.000 người, tương đương 35% tổng dân số của tỉnh, biến đổi khí hậu làm cho mực nước biển dâng, hạn hán, ngập lụt xảy ra với tần suất ngày càng lớn hơn. Những yếu tố đó sẽ làm gia tăng ngập úng, xâm nhập mặn, lan tràn chua phèn… và dẫn tới những hệ lụy khác.
Diễn đàn được tổ chức trực tuyến.
Tại diễn đàn thảo luận, ông Nguyễn Thanh Nam, Chi cục Trưởng - Văn phòng phía Nam của Tổng cục Phòng chống Thiên tai – Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông Thôn cho biết: “Dự án tài trợ này góp phần vào việc thực hiện Kế hoạch quốc gia thích ứng với BĐKH giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm thực hiện Nghị quyết số 93 ngày 31/10/2016 của Chính phủ phê duyệt Thỏa thuận Paris về thích ứng BĐKH. Điều này có ý nghĩa thiết thực trong bối cảnh tình hình thiên tai và biến đổi khí hậu ngày càng ảnh hưởng nghiêm trọng tại Việt Nam nói chung và khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long nói riêng.”
Việt Phú/VOV4
Viết bình luận