(VOV) - Diện tích rừng tự nhiên bị thu hẹp, khí hậu biến đổi bất thường cộng với nạn săn bắt voi lấy ngà khiến đàn voi hoang dã ngày càng suy giảm. Đàn voi nhà thì đang bị lão hoá nhanh, nhiều năm qua không sinh sản.
Hôm qua, tại tỉnh Đắc Lắc, Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), Tổ chức động vật Châu Á và sở Nông nghiệp các tỉnh Đắc Lắc, Đồng Nai, Nghệ An tổ chức hội thảo Giải pháp bảo tồn, phát triển đàn voi Việt Nam.
Để phát triển đàn voi nhà, cần hạn chế sử dụng voi phục vụ du lịch?
Bà Erin Ivory, chuyên gia Tổ chức bảo tồn động vật Châu Á, đưa ra giải pháp: để bảo tồn, phát triển đàn voi ở Việt Nam thì cần phải đảm bảo môi trường sống, đảm bảo nguồn thức ăn tự nhiên, ngăn chặn triệt để nạn săn bắt voi lấy ngà. Đối với đàn voi nhà, cần hạn chế sử dụng trong hoạt động du lịch để chăm sóc sức khỏe voi tốt hơn và có biện pháp nhân giống hiệu quả.
"Chúng ta cần phải đưa ra quyết định rằng sự sống còn của voi quan trọng hơn việc sử dụng voi cho mục đích của con người. Điều này đòi hỏi sự phối hợp của chính phủ, ngành nông nghiệp và chủ voi. Chúng tôi đang hỗ trợ các cán bộ ở Trung tâm bảo tồn voi, các chủ voi và quản tượng để đảm bảo phúc lợi của voi trong tương lai. Chúng tôi cũng muốn đảm bảo rằng trung tâm sẽ thành công trong chương trình nhân giống nếu các chủ voi chấp nhận đưa voi đến trung tâm, để trung tâm có khả năng thành công cao nhất và giúp voi được sống trong đàn nhân giống tự nhiên” - bà Erin Ivory nó.
Tại Việt Nam, hiện còn khoảng 60 cá thể voi nhà và khoảng 100 cá thể voi hoang dã đang sinh sống chủ yếu ở các tỉnh Đắc Lắc, Đồng Nai và Nghệ An.
Tuấn Long/VOV-Tây Nguyên
Viết bình luận