Các lớp tập huấn do Viện Vật lý địa cầu tổ chức có khoảng 500 người dân ở 5 xã tham gia, gồm: Đăk Nên, Đăk Ring, Măng Bút, Đăk Tăng, Măng Cành của huyện Kon Plông. Thông qua lớp tập huấn người dân, chủ yếu là bà con dân tộc thiểu số Xơ Đăng được cấp phát tờ rơi, tài liệu hướng dẫn phòng, tránh động đất. Bên cạnh đó, các chuyên gia đến từ Viện Vật lý địa cầu cũng hướng dẫn người dân cách ứng phó với các tình huống cụ thể để giảm nhẹ thiệt hại.
Chị Đinh Thị Nam, nhà ở làng Tu Rét, xã Đăk Nên cảm thấy tự tin hơn khi bản thân được trang bị thêm kiến thức ứng phó trong tình huống xảy ra động đất. Chị Nam nói: “Sau khi được tuyên truyền tôi có được một số biện pháp, như: cố định các đồ vật trong nhà cho vững chắc. Có rung lắc động đất tôi sẽ chạy ra ngoài chỗ bãi đất trống. Tôi sẽ áp dụng để giảm thiệt hại trong gia đình”.
Trong thời gian tập huấn, không chỉ tham gia đầy đủ và chăm chú lắng nghe, người dân tại các xã vùng tâm chấn động đất ở huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum cũng chủ động đặt câu hỏi, nêu những thắc mắc, băn khoăn để cán bộ giải thích. Tiến sĩ Bùi Thị Nhung, một trong 5 chuyên gia đến từ Viện Vật lý địa cầu cho biết, cũng từ việc gặp gỡ, trao đổi trực tiếp với người dân 5 xã vùng tâm chấn động đất của huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum, Viện Vật lý địa cầu sẽ tiếp tục nghiên cứu đưa ra các giải pháp phù hợp với thực tiễn địa phương, để bà con không chỉ ổn định tâm lý mà còn thích nghi tốt với tình hình động đất hiện nay.
“Có một tín hiệu rất mừng đó là bà con đã có nhận thức rất cơ bản về động đất. Bà con không còn hoang mang hỏi rằng đó là cái gì mà bà con đã biết ngay được đó là động đất. Và một số kỹ năng rất là cơ bản bà con cũng đã biết là cúi xuống hay là ngồi xuống khi mà có động đất để tránh mình bị ngã. Bà con cũng rất là cởi mởi chia sẻ cũng như là hỏi các chuyên gia để được giải đáp những thắc mắc. Chúng tôi đã nắm bắt được những tâm tư, nguyện vọng của bà con từ đó để chúng tôi xây dựng nên những tài liệu hướng dẫn cho bà con phù hợp với hoàn cảnh thực tế tại địa phương”. - Tiến sĩ Bùi Thị Nhung cho biết.
Cùng với đẩy mạnh truyền thông tại 5 xã vùng tâm chấn động đất của huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum, dịp này Đoàn công tác Viện Vật lý địa cầu cũng trực tiếp đến khảo sát, kiểm tra tình hình thiệt hại và đánh giá tác động của trận động đất có độ lớn 5 độ richter xảy ra vào trưa ngày 28/7. Để có thêm dữ liệu về động đất ở khu vực tâm chấn huyện Kon Plông phục vụ công tác cảnh báo và nghiên cứu, Viện Vật lý địa cầu tiến hành lắp đặt thêm 1 trạm quan trắc tự động tại xã Măng Bút. Như vậy, đến nay trên địa bàn huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum đã được lắp đặt tổng cộng 12 trạm quan trắc để kịp thời theo dõi tình hình động đất, trong đó có 8 trạm cố định và 4 trạm di động./.
Viết bình luận