Vĩnh Long: Sạt lở diễn biến phức tạp
Thứ sáu, 09:59, 23/08/2024 Chanh Tuy/VOV ĐBSCL Chanh Tuy/VOV ĐBSCL
VOV4.VOV.VN - Từ đầu năm đến nay, tỉnh Vĩnh Long xảy ra khoảng 80 vụ sạt lở bờ sông gây thiệt hại lớn đến đất đai và tài sản của người dân. Các cấp, các ngành trong tỉnh đã và đang triển khai các biện pháp phòng chống sạt lở nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do sạt lở gây ra.

  

 

Vụ sạt lở gần đây nhất xảy ra vào ngày ngày 18/8 vừa qua, trên địa bàn ấp An Hòa, xã An Bình, huyện Long Hồ. Điểm sạt lở có chiều dài 100m, ăn sâu vào đất liền khoảng 3,5m. Vụ sạt lở còn gây ảnh hưởng đến khoảng 100 hộ dân trong khu vực và khoảng 70ha vườn cây ăn trái. Nguyên nhân sạt lở là do đang bước vào mưa bão, mực nước sông xuống thấp gây ra tình trạng sụp lún, sạt lở.  

Ông Nguyễn Văn Lượm, một người dân địa phương cho biết, nước ở đây có dòng xoáy ăn sâu vào chân bờ sông tạo dần thành hốc gây sạt lở đất phía trên nó. 

Ngoài vụ sạt lở kể trên, huyện Long hồ còn xảy ra nhiều vụ sạt lở khác trên địa bàn, điển hình như các vị sạt lở xảy ra trên tuyến sông Cái Cam, sông Cái Cao, sông Long Hồ và sông Ông Me nhỏ. Từ đầu năm đến nay, huyện xảy ra 11 điểm sạt lở, ước thiệt hại khoảng 425 triệu đồng. Sau khi các vụ sạt lở xảy ra, các ngành chức năng của tỉnh đã đến hiện trường giúp dân khắc phục sự cố thiên tai.

Cách đây vài ngày, tại khu vực tuyến kênh La Ghì đoạn thuộc xã Vĩnh Xuân (huyện Trà Ôn) xảy ra vụ sạt lở và sụt lún một phần đường giao thông phía trước Nhà truyền thống Đảng bộ tỉnh. Đoạn sạt lở có chiều dài 220m qua ấp Vĩnh Trinh từ ao trữ nước của hệ thống cấp nước tập trung xã Vĩnh Xuân đến hết đoạn bờ kè bê tông trước Nhà truyền thống Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long (Di tích lịch sử cấp tỉnh).

Khu vực này hiện nay có nguy cơ sạt lở thêm khoảng 195m, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và sinh hoạt của 15 hộ dân với 51 nhân khẩu và khoảng 50 ha đất sản xuất nông nghiệp. UBND tỉnh Vĩnh Long cũng đã ban hành quyết định công bố tình huống khẩn cấp khu vực sạt lở này, giao Sở NN-PTNT theo dõi chặt chẽ, thông báo cho người dân trong khu vực biết về tình hình sạt lở và thường xuyên theo dõi diễn biến địa chất khu vực này để có biện pháp ứng phó kịp thời; huy động lực lượng theo phương châm 4 tại chỗ làm rào chắn, lắp đặt biển cảnh báo 2 đầu khu vực sạt lở nguy hiểm, cảnh báo người dân không được đến gần khu vực sạt lở để đảm bảo an toàn tính mạng, các phương tiện giao thông hạn chế đi qua khu vực sạt lở.

Từ đầu năm đến nay Vĩnh Long xảy ra khoảng 80 điểm sạt lở làm mất 2.039 m bờ sông cùng với các công trình đường giao thông nông thôn, đê bao, ảnh hưởng trực tiếp đến 166 hộ dân, thiệt hại về tài sản hơn 4,7 tỷ đồng

Theo ông Văn Hữu Huệ, Phó giám đốc sở NN&PTNT tỉnh Vĩnh Long, các vụ sạt lở được xác định là do biến đổi khí hậu gây mưa nhiều khiến đất ven sông không còn kết dính. Nguyên nhân thứ hai là do con người khai thác cát nhiều khiến hình thái sông thay đổi, nhiều đoạn nước bị nắn tạo thành dòng chủ lưu áp sát bờ, tấn công bờ gây sạt lở. Các công trình lớn của người dân xây dựng dọc theo bờ sông làm quá tải bờ sông vốn có nền đất yếu. Các công trình lấn sông, bè cá ven sông làm giảm mặt cắt ướt làm cho vận tốc dòng chảy lớn hơn; tàu, xà lan qua lại và neo đậu tạo sóng gây sạt lở bề mặt, chân vịt gây dòng chảy xáo trộn phá vỡ kết cấu lòng sông....

Vĩnh Long cũng như các tỉnh trong khu vực ĐBSCL luôn xuất hiện tình trạng sạt lở khi mùa mưa đến. Các vụ sạt lở đều gây thiệt hại lớn đến đất đai và tài sản của người dân, kinh phí khắc phục cũng rất lớn. Vĩnh Long rất cần sự hỗ trợ từ Trung ương để địa phương triển khai có hiệu quả công tác phòng chống thiên tai, sạt lở./.

Chanh Tuy/VOV ĐBSCL

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC