Yên Bái tăng cường nhiều giải pháp "nói không với thực phẩm bẩn"
Chủ nhật, 06:06, 01/09/2024 Thừa Xuân/VOV Tây Bắc Thừa Xuân/VOV Tây Bắc
VOV4.VOV.VN: Thời gian qua, dù lực lượng chức năng tỉnh Yên Bái đã triển khai nhiều giải pháp để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Song, qua kiểm tra chuyên đề đột xuất, vẫn ghi nhận các vụ việc, trường hợp kinh doanh, buôn bán, chế biến thực phẩm không đảm bảo an toàn. Nhằm nâng cao trách nhiệm của người kinh doanh, nhận thức của người dân về thực phẩm an toàn, “nói không với thực phẩm bẩn”, lực lượng chức năng Yên Bái chú trọng kiểm tra, xử lý, nhắc nhở, tuyên truyền, nhất là dịp trước, trong và sau tết, mùa lễ hội, dịp trung thu, bước vào năm học mới...

Bước vào năm học mới 2024 -2025 này, tỉnh Yên Bái có 466 cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, với gần 230 nghìn học sinh. Trong số này có không ít trường tổ chức nấu ăn nội trú, bán trú cho học sinh.

Để các em có bữa ăn đảm bảo an toàn, trước thềm khai giảng năm học mới, các nhà trường đã cử nhân viên dinh dưỡng đi tập huấn nghiệp vụ chuyên môn.

Ngành giáo dục Yên Bái cũng chỉ đạo các đơn vị trường học kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc thực phẩm và các khâu chế biến, tuân thủ quy trình kiểm thực 3 bước là: trước khi chế biến, trong quá trình chế biến và trước khi ăn. Kiên quyết “nói không” với thực phẩm từ các cơ sở, đơn vị cung cấp mà không có giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn; thực phẩm có dấu hiệu hỏng, mốc, hết hạn.

Ông Bùi Thanh Tùng, Phó Trưởng phòng Giáo dục – Đào tạo huyện Trạm Tấu cho biết: "Ngay từ đầu năm học Phòng Giáo dục – Đào tạo đã chỉ đạo các đơn vị trường chú trọng đảm bảo chất lượng bữa ăn, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục kiến thức an toàn thực phẩm đến cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh trong các đơn vị trường; phối hợp với Trung tâm Y tế huyện tổ chức tập huấn cho gần 100 cán bộ quản lý,  giáo viên, nhân viên của các đơn vị trường về kiến thức vệ sinh an toàn thực phẩm".

Tại 173 xã, phường, thị trấn của tỉnh Yên Bái hiện bình quân mỗi địa phương có một chợ. Ngoài những tiện lợi mang đến cho người dân thì tại chợ vẫn tồn tại tình trạng thực phẩm đã nấu chín được bày bán cạnh thực phẩm tươi sống; thức ăn đã qua chế biến không được che đậy cẩn thận… Do vậy,  cùng với các lực lượng chức năng, Ban quản lý các chợ cũng thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở các tiểu thương chấp hành các quy định, nội quy.

Ông Hoàng Ngọc Nghiêm, Phó Ban Quản lý chợ Minh Tân, thành phố Yên Bái cho biết, kết thúc mỗi ngày họp chợ, Ban Quản lý đều tổ chức vệ sinh chợ, định kỳ phun thuốc diệt ruồi, muỗi... Thường xuyên yêu cầu các tiểu thương chấp hành tốt nội quy chợ, an toàn phòng cháy chữa cháy, đến đảm bảo chất lượng hàng hóa… 

Ông Nghiêm nói: "Hàng ngày tôi trực tiếp thông báo đến các tiểu thương buôn bán, kinh doanh tại chợ về việc chấp hành nghiêm an toàn vệ sinh thực phẩm. Ai mà để xảy ra cái gì thì phải chịu trách nhiệm trước nhà nước, chính quyền và người tiêu dùng, bị phạt hoặc bị cho ra khỏi chợ. Thực phẩm mua bán hàng ngày cũng nhắc nhở bà con mua bán phải có nguồn rõ ràng, xảy ra cái gì thì còn có chỗ điều tra, xử lý kịp thời".

Cùng với hệ thống các chợ, toàn tỉnh Yên Bái hiện có hơn 9.500 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm, dịch vụ ăn uống như bếp ăn tập thể, cơ sở chế biến suất ăn sẵn, thức ăn đường phố;  chế biến, kinh doanh thủy sản.

Từ đầu năm 2024 đến nay, các cơ quan liên ngành của tỉnh Yên Bái đã tiến hành hàng trăm cuộc kiểm tra, lấy mẫu thực phẩm. Qua đó đã phát hiện hàng chục cơ sở vi phạm, xử phạt hành chính gần 1 tỷ đồng; tịch thu, tiêu hủy hàng chục mặt hàng, thực phẩm như: chân gà đông lạnh, nầm lợn đông lạnh, mì gói, thực phẩm chức năng...

Cùng với kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm, từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng cũng tổ chức hơn 60 buổi truyên truyền lưu động; gần 500 buổi nói chuyện, tọa đàm, tập huấn; in gần 20 nghìn tờ rơi, cẩm nang, khẩu hiệu…tuyên truyền, hướng dẫn chủ cơ sở, người dân về các quy định, nguyên tắc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Ông Lương Quốc Dũng, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Yên Bái cho biết: "Công tác truyền thông bao giờ cũng đạt lên hàng đầu, sau khi truyền thông các cơ sở đã được hiểu, được nghe và thậm chí ký cam kết phải làm như thế này, phải làm việc kia... theo đúng quy định. Sau đó chúng tôi tiến hành kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất, nếu phát hiện vi phạm thì xử phạt vừa thấu tình và đạt lý. Trong quá trình kiểm tra thì chúng tôi cũng tập trung vào nhóm đối tượng có quy mô lớn, phạm vi cấp tỉnh. Còn trong công tác quản lý thì chúng tôi đã tham mưu phân cấp quản lý, bảo đảm các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ, diện không phải đăng ký kinh doanh vẫn được quản lý ngay tại cơ sở, có thể là qua thôn bản, tổ dân phố hoặc chính quyền địa phương cấp xã/phường"./.

Thừa Xuân/VOV Tây Bắc

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC