Lan tỏa những điển hình đồng bào DTTS
Thứ tư, 00:00, 02/12/2020 Hoàng Thái Hoàng Thái
VOV4.VN-Đại hội Đại biểu toàn quốc các DTTS Việt Nam lần thứ II, năm 2020 là sự kiện quan trọng, có ý nghĩa chính trị, xã hội sâu sắc đối với đất nước, đặc biệt là đối với hơn 14 triệu đồng bào DTTS. Đại hội là nơi hội tụ niềm tin, để từ đó lan tỏa những điển hình trong các phong trào nhằm phát triển vùng đồng bào DTTS.

Được tỉnh Quảng Bình chọn là đại biểu dự Đại hội DTTS toàn quốc lần thứ II-2020, bà Phạm Thị Lâm, dân tộc Chứt, Trưởng bản Cáo, xã Lâm Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình xúc động: Mặc dù chồng mất sớm, có ba con trai nhưng bản thân bà luôn nỗ lực phấn đấu cho sự phát triển đi lên của bản làng. Bà được dân làng tín nhiệm bầu làm trưởng bản và đại biểu HĐND huyện từ năm 1999, được ba nhiệm kỳ. Hiện tại bà Lâm làm đại biểu HĐND xã, Trưởng bản Cáo và y tá thôn bản.

Kể về quá trình phấn đấu của bản thân, bà Lâm cho biết, Khi làm trưởng bản năm 1999, dân Mã Liềng còn du canh du cư vào sâu trong rẫy, chỉ có ba hộ của gia đình mẹ con bà Lâm ở lại bản. Khi làm trưởng bản, bà đã liên tục vào rẫy động viên các hộ ra ngoài ổn định cuộc sống. Ban đầu được hai hộ, bà và các con lại vào rẫy giúp họ mang đồ đạc ngoài. Sau nhiều ngày vận động, có thêm một hộ nữa là năm hộ. Những ngày đó các hộ nương tựa vào nhau, bà Lâm phải chia sẻ cả phần gạo, phần thịt bà vất vả kiếm được cho bà con. Sau này. Nhà nước cho chế độ các gia đình định canh định cư. Dần dần, đến năm 2001-2002, người dân bản Cáo trong rẫy ra dần, bà Lâm lại đề nghị Ủy ban định canh định cư huyện Tuyên Hóa san ủi đất để dân sản xuất. Trước kia, người Mã Liềng ở bản Cáo làm dọc bãi biên, khi nước lụt thì không có đất sản xuất, chỉ khi bồi mới có, cho nên sản xuất không ổn định. Ban đầu san ủi được 5 ha đất ở, chưa có đất sản xuất cho dân định canh. Ngoài 5 ha đó ra, còn lại là đất đã có chủ và rừng phòng hộ. Mỗi lần họp HĐND, bà Lâm đều kiến nghị để dân có đất sản xuất, còn rừng phòng hộ thì khoanh vùng bảo vệ. Đến năm 2013, huyện Tuyên Hóa đã bố trí cho bản Cáo tổng cộng 223 ha đất. Khi đó, bà Lâm đã mời địa chính xã đến đo đạc và phân từng loại đất, khoanh nuôi bảo vệ, đất sản xuất và đất trồng rừng. Dân bản Cáo tiếp tục san ủi 5 ha nữa. Đất được phân cho từng hộ theo khẩu. Khi đó, người dân có đất sản xuất và trồng rừng. "Khi làm được việc đó, tôi nói gì, người dân đều nghe theo"-Bà Lâm tự hào. Là đại diện duy nhất của dân tộc Chứt đi dự Đại hội Đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam, Bà Phạm Thị Lâm bày tỏ niềm vinh dự được bầu từ xã lên đến huyện, tỉnh và đi dự ở cấp Trung ương. Dự đại hội, được gặp gỡ các dân tộc, được lắng nghe các chia sẻ của các dân tộc ở các vùng khác là cơ hội để đại biểu Phạm Thị Lâm học hỏi được nhiều kinh nghiệm để làm việc tốt hơn ở địa phương mình. 

(Đại biểu Phạm Thị Lâm trong buổi giao lưu trực tuyến với độc giả báo Nhân Dân)

Cùng chung niềm hãnh diện và tự hào, ông Thăng Văn Báo, dân tộc Sán Dìu, người có uy tín, hộ sản xuất giỏi thôn Muối, xã Giáp Sơn, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang cho biết, những năm gần đây, thôn Muối được Đảng, Nhà nước và chương trình chính sách hỗ trợ, người dân thôn Muối đã tạo dựng được phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, phát triển mô hình kinh tế hiệu quả. Từng là lính chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc, khi xuất ngũ trở về bản làng, bằng nỗ lực cố gắng của bản thân, ông Báo đã mạnh dạn chuyển đổi mô hình cây trồng từ hoa màu năng suất hiệu quả kinh tế thấp sang trồng cây ăn quả có hiệu quả kinh tế cao, chủ yếu là vải thiều.Gia đình ông Báo cũng luôn gương mẫu đi đầu trong chấp hành đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Ông được bầu là đại biểu Hội đồng nhân dân xã, trưởng thôn và là người uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số.Trong phong trào xây dựng nông thôn mới, ông Báo đã vận động nhân dân hiến đất, đóng góp xây dựng đường giao thông của thôn. Hiện tại, thôn Muối là thôn đầu tiên đạt tiêu chí nông thôn mới và hiện được công nhận là nông thôn mẫu kiểu mới.Đến dự Đại hội Đại biểu DTTS toàn quốc lần này "Tôi rất vinh dự được tỉnh Bắc Giang bầu làm đại biểu dự Đại hội toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ II. Tôi cũng muốn được học hỏi, giao lưu với đại biểu của 54 dân tộc của Việt Nam tại hoạt động lần này"-ông Báo cho biết.

Đại hội đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số (DTTS) Việt Nam lần thứ II năm 2020 với chủ đề “Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp đỡ nhau, phát huy nội lực cùng phát triển với đất nước”. Đại hội là sự kiện chính trị quan trọng, là ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc. Được tổ chức 10 năm một lần, Đại hội đại biểu toàn quốc các DTTS Việt Nam lần thứ II năm 2020 là ngày hội lớn của đồng bào các dân tộc Việt Nam, là dịp để chúng ta nhìn lại quá trình phát triển, những thành tựu nổi bật của công tác dân tộc, chính sách dân tộc, những nỗ lực vươn lên trên các mặt của đời sống kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi; đặc biệt là giai đoạn 2010 - 2020./.

Hoàng Thái/VOV4

 

Hoàng Thái

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC