Theo truyền thống, Lễ Sen Dolta thường được tổ chức trong thời gian nửa tháng, với 4 nghi thức chính: lễ dâng cơm vắt (Bos Bai Ben), lễ cúng ông bà (Sen Dolta), lễ rước ông bà (Phchum Ben) và lễ đưa tiễn ông bà (chun Đôn Ta). Thời gian gần đây, đồng bào Khmer cũng đã tổ chức Lễ Sen Dolta gọn nhẹ hơn trước để phù hợp với điều kiện thực tế nhưng vẫn giữ được những ngày lễ truyền thống của dân tộc. Hiện nay, Lễ Sen Dolta được ấn định tổ chức trong 3 ngày. Năm 2023, Sen Dolta sẽ diễn ra từ 29/8 đến mùng 1/9 âm lịch (ngày 13,14 và 15/10 dương lịch).
Trong những ngày này, khắp trong phum, sóc tràn ngập không khí của ngày lễ Sen Dolta, nhất là tại các chùa Khmer. Trong 3 ngày lễ Sen Dolta, ngoài dâng hương và mâm lễ ở nhà, mọi nghi thức quan trọng đều diễn ra tại chùa - “ngôi nhà” chung của cả phum, sóc.
Hoà thượng Thạch Hà, Trưởng Ban trị sự Giáo hội Việt Nam tỉnh, Hội trưởng Hội đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Cà Mau cho biết: một hoạt động không thể thiếu của đồng bào Khmer trong dịp này là lên chùa để tham gia các lễ tưởng nhớ công ơn và cầu phước cho linh hồn của các bậc sinh thành, những người trong thân tộc quá cố và tri ân tổ tiên đã khai phá đất đai, phù hộ cho phum, sóc được an lành, hạnh phúc, ấm no. “Trong 3 ngày lễ, nhà chùa chuẩn bị nhiều lễ vật để dâng lên cúng Phật và tổ tiên, sau đó phát cho phật tử với mong muốn cùng chia phước với nhà chùa, góp thêm phần đủ đầy sung túc cho gia đình phật tử” - Hoà thượng thôn tin.
Với ý nghĩa truyền thống, Lễ Sene Dolta mang đậm tính nhân văn và giáo dục đạo đức sâu sắc, nhắc nhở mọi người về lòng hiếu thảo với ông bà, cha mẹ; tri ân những bậc tổ tiên đã đóng góp cho công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Lễ mang lại cho mỗi gia đình không khí đầm ấm, sum vầy và thắt chặt tình đoàn kết thương yêu giúp đỡ nhau trong phum, sóc.
Ông Lâm Nuôl, 84 tuổi, dân tộc Khmer - Người có uy tín TP.Cà mau, nguyên là Đại biểu Quốc hội khóa VI cho biết: Cà Mau là tỉnh cuối cùng của tổ quốc có diện tích tiếp xúc với biển, sông ngòi khá lớn, những năm gần đây tình trạng biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn đã ảnh hưởng tới đời sống của đồng bào. Tuy nhiên, tỉnh cũng đang nỗ lực thực hiện tốt các Chương trình mục tiêu quốc gia để hỗ trợ đồng bào kịp thời, nâng cao khả năng ứng phó với các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, dần thích nghi và xây dựng nhiều mô hình sinh kế có hiệu quả; đặc biệt các hộ nghèo, hộ khó khăn được hỗ trợ, quan tâm tạo điều kiện để vươn lên. “Các phum, sóc diện mạo ngày một khang trang hơn trước, đời sống bà con được cải thiện nhiều nên mùa Lễ Sene Dolta cũng sung túc hơn".
Cuộc sống ngày nay đã có nhiều đổi thay, nhưng Lễ Sen Đolta của đồng bào dân tộc Khmer vẫn luôn được gìn giữ và phát huy, để nhắc nhở mọi người về lòng hiếu thảo với ông bà, cha mẹ, tri ân những bậc tổ tiên đã đóng góp cho công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Hòa cùng dòng chảy của văn hóa dân tộc, Lễ Sen Đolta như một nét văn hóa tâm linh độc đáo của đồng bào Khmer Nam Bộ, góp chung vào sự đặc sắc của nền văn hóa Việt Nam.
Viết bình luận