Khi những bông hoa bó mạ nở vàng trên núi đồi, những cơn mưa đầu mùa gọi mầm măng đắng nhú lên cũng là lúc bà con dân tộc Thái trắng ở Lai Châu hội tụ về huyện Phong Thổ vui lễ hội Then Kin Pang.
Về với lễ hội, du khách không chỉ được trải nghiệm nét văn hóa dân gian đặc sắc trong đời sống tâm linh của đồng bào Thái mà còn được hòa mình cùng các hoạt động văn hóa của người dân bản địa.
Mở đầu cho lễ hội là nghi thức cúng, dâng hương tại nhà Then, với ý nghĩa cầu xin Vua trời và các vị Then ban phúc cho trần gian được mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, bản mường bình yên, no ấm.
Theo truyền thuyết của người Thái trắng nơi đây, Vua Trời là đấng tối cao và đứng sau là Then. Các vị Then đều có lòng bao dung độ lượng, yêu thiên nhiên cỏ cây, muông thú và con người. Bởi vậy, Vua Trời đã phái các vị Then xuống hạ giới để cứu giúp con người.
Nghi thức cúng tại nhà Then, nhằm cầu mong một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, bản mường bình yên, no ấm
Từ đó, trong cuộc sống hàng ngày, mỗi khi bà con bản trên, mường dưới đau ốm s được Then cho thuốc. Gia đình nào gặp rủi ro, vận hạn đến gặp Then sẽ được cầu phúc cho tai qua nạn khỏi. Bởi vậy, nghi thức cúng Then ra đời và trở thành nét văn hóa tâm linh không thể thiếu trong đời sống văn hóa đồng bào Thái trắng nơi đây.
Nghệ nhân Vương Thị Thếm, ở bản Huổi Phặc, xã Khổng Lào, huyện Phong Thổ chia sẻ: "Mỗi một năm cứ đến hoa Bó Mạ tháng 3 là bà con lại tổ chức lễ hội Then Kin Pang. Đây là dịp để bà con nghĩ về tổ tiên, được giao lưu cũng như nhớ về bản sắc văn hóa dân tộc Thái của mình. Thứ hai nữa là mọi người được thực hiện các nghi thức văn hóa, để làm sao giữ được các nét văn hóa truyền thống dân tộc Thái từ xa xưa".
Song song với phần lễ, phần hội được tổ chức đồng thời với nhiều hoạt động văn hóa diễn ra sôi nổi như: trình diễn văn nghệ, trang phục duyên dáng Mường Then, tính tẩu, nghệ thuật múa xòe và thi đấu các môn thể thao dân tộc đó là: quay cù, én cáy, tó má lẹ, đi cà kheo, tung còn, bắn nỏ, thi bắt cá…
Đây đều là nét văn hóa truyền thống của đồng bào Thái trắng ở địa phương và các hoạt động này đã thu hút đông đảo người dân cũng như du khách thập phương tìm về mỗi mùa lễ hội.
Anh Trần Văn Thắng, du khách đến từ thủ đô Hà Nội cho biết: văn hóa dân tộc Thái trắng, nhất là lễ hội Then Kin Pang đã có sức hút nhanh nhiều năm qua. Năm nay anh đưa cả gia đình và bạn bè lên đây. Chứng kiến các hoạt động văn hóa của đồng bào ai cũng thích, nhất là các hình ảnh gắn liền với bản sắc của người Thái như gội đầu, té nước cầu may bên suối.
"Năm nào cũng vậy, cứ đến 10/3 âm lịch, tôi luôn háo hức và mong chờ để trở về khu vực Mường So, Khổng Lào để tham dự lễ hội Then Kin Pang. Đặc biệt, tôi rất ấn tượng khi được tham dự nghi thức “Áp Hô Pang” và nghi thức tắm suối của đồng bào dân tộc Thái. Đây là nét văn hóa đặc sắc có từ lâu đời và tôi mong muốn nó sẽ được duy trì, phát triển mãi mãi". - Anh Thắng chia sẻ.
Cũng như anh Thắng và hàng nghìn du khách, lần đầu tiên được tham dự lễ hội, anh Hà Minh Hưng, đến từ tỉnh Phú Thọ lại rất ấn tượng với các mâm ẩm thực 70 món mang đậm chất Tây Bắc. Các loại món ăn truyền thống của đồng bào Thái được làm chủ yếu bằng nguyên liệu lấy từ rừng, dưới suối như: măng đắng, cá bống vùi tro, xôi ba màu nhuộm bằng lá rừng...
Đặc biệt, nghi lễ của Lễ hội “Áp hô pang” hay còn gọi là lễ hội gội đầu cũng được tái hiện lại sinh động và thu hút hàng nghìn người tham gia.
"Lên đây điều đầu tiên tôi cảm nhận được lễ hội Then Kin Pang này rất đặc biệt. Trong lễ hội Then Kin Pang, tôi ấn tượng nhất là các cô gái Thái khỏa nước và gội đầu bên dòng suối Nậm So. Ngoài yếu tố tâm linh ra đây là lễ hội rất đẹp và đặc sắc về văn hóa của đồng bào Tây Bắc". - Anh Hưng nói.
Lễ hội Then Kin Pang là nét sinh hoạt văn hóa tâm linh tốt đẹp của đồng bào dân tộc Thái trắng miền đất gió Phong Thổ, quy tụ tinh thần đoàn kết tương thân tương ái, mang tính nhân văn sâu sắc.
Lễ hội đang ngày càng lan tỏa tới du khách gần xa bằng những giá trị văn hóa, tinh thần độc đáo của đồng bào. Và việc duy trì lễ hội hàng năm của chính quyền, đồng bào địa phương đã góp phần tích cực vào việc bảo tồn, phát huy tốt các giá trị văn hóa và trở thành điểm đến du lịch văn hóa đặc sắc, hấp dẫn du khách khi đến với Lai Châu.
Viết bình luận