Độc đáo nghề thủ công truyền thống của người Cao Lan, Sán Chí ở Bắc Giang
Thứ ba, 14:11, 05/11/2024Đỗ Quyên/VOV4
VOV4.VOV.VN - Dệt vải, thêu tay, làm giấy dó, đan sung... là những nghề thủ công truyền thống của người Cao Lan, Sán Chí ở Bắc Giang (các nơi khác gọi là Sán Chỉ) hiện vẫn được bảo tồn, gìn giữ.
Dân tộc Cao Lan là một trong hai nhóm ngành của dân tộc Sán Chay (Cao Lan - Sán Chí), thuộc hệ ngôn ngữ Hán - Tạng.
Người Cao Lan cư trú lâu đời ở vùng núi phía Bắc Việt Nam và định cư tại Bắc Giang từ thế kỷ XVII trở lại đây.
Theo thống kê dân số năm 2017, dân tộc Cao Lan ở Bắc Giang có khoảng 18.000 người, tập trung chủ yếu ở 4 huyện: Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam và Yên Thế.
Nghề thủ công truyền thống của người Cao Lan đã tồn tại qua nhiều thế hệ, nhưng phần lớn mang tính tự cung, tự cấp.
Đồng bào Cao Lan nổi tiếng với nghề làm giấy dó khổ to và nhỏ,
phục vụ cho việc viết chữ Hán và dùng trong các nghi lễ.
Hiện tại xã Lục Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang có gia đình anh Dương Văn Quang vẫn còn gìn giữ nghề làm giấy dó. Nguyên liệu chính để làm ra sản phẩm giấy dó gồm hai thứ: Cây vợt pạ và dây hau pau - loại cây mọc trong rừng. Hau pau được dùng để làm thành bột giấy, còn vợt pạ được ngâm để lấy nước, tạo thành chất hồ của giấy.
Bà con làm sạch vỏ hau pau, ngâm với nước vôi trong và ninh trong nước hòa tro bếp. Sau đó, tiếp tục làm sạch tro bám trên vỏ cây. Càng tỷ mỷ, công phu sẽ cho giấy trắng và đẹp. Hau pau sau khi đã ninh nhừ được đem đi giã. Vợt pạ sau khi ngâm qua đêm trong nước bà con đem trộn với bột giấy quấy đều là thành hồ để tráng giấy. Cuối cùng đem phần vỏ được đập nát xuống bể khuấy đều sẽ được một loại nước màu vàng nhạt, đặc sánh. Khi làm, nghệ nhân sẽ khuấy trộn đều cùng nước ngâm vạt pạ để giấy khi vào khung sẽ không bị dính.
Công đoạn tráng giấy trên khung có căng bằng tấm vải
Tráng đều hỗn hợp bột, nước. Bột đọng lại trên khuôn sau đó đem phơi khô sẽ thành giấy
Giấy dó thành phẩm
Cho đến nay, phụ nữ Cao Lan vẫn giữ nghề dệt và làm trang phục truyền thống. Bà Tống Cấp, người Cao Lan ở Lục Nam, Bắc Giang trình diễn dệt vải trong ngày hội văn hóa thể thao và du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc 2024 tại Lạng Sơn.
Để làm ra một bộ trang phục, người phụ nữ Cao Lan phải mất cả năm trời với nhiều công đoạn cầu kỳ: trồng bông, đánh cũi, xe chỉ, dệt vải, thêu hoa văn, làm váy áo.
Từng đường kim, mũi chỉ đều thể hiện sự đảm đang, khéo léo của người phụ nữ
Ở Bắc Giang, người Sán Chí là một trong những dân tộc sinh sống lâu đời. Họ định cư trên mảnh đất này khoảng độ 300 - 400 năm. Họ thuộc nhóm ngôn ngữ Tày - Thái. Theo số liệu thống kê năm 2017, dân tộc Sán Chí tại Bắc Giang có gần 12.000 người. Họ tập trung tại 4 huyện: Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam và Yên Thế. Phụ nữ Sán Chí cũng rất thạo nghề dệt vải, làm trang phục
Đôi tay họ làm nên những sắc màu dung dị, trở thành tín hiệu văn hóa đặc trưng của người Sán Chí
Mũ đội đầu của trẻ nhỏ
Ngoài nghề làm trang phục, phụ nữ Sán Chí còn giỏi đan sung, hay còn gọi là tay nải, túi đựng đồ khi đi hội, đi làm, đi chợ…
Nguyên liệu làm sung thường từ thân sắn dây rừng. Bà con tước bỏ vỏ, lấy sợi trắng bên trong rồi chà cho xoắn lại, phơi khô đem về đan.
Viết bình luận