Trang phục của thầy mo chính (áo xanh) và thầy mo phụ (áo tím)
Dân tộc Xinh Mun còn có tên gọi là Puộc, Pụa. Họ cư trú ở vùng biên giới Việt - Lào, chủ yếu ở các huyện Yên Châu, Sông Mã, Mai Sơn, Thuận Châu, Mường La của tỉnh Sơn La.
Thầy mo với người Xinh Mun có vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống. Họ coi sóc về mặt tâm linh, tín ngưỡng và cũng là người thầy thuốc của bản làng.
Trong khi thực hiện các lễ nghi, thầy mo sẽ có trang phục và đạo cụ riêng để tiến hành cúng bái. Đó đều là những vật dụng chỉ dành riêng cho thầy mo.
Bà Vì Thị Sướng, người Xinh Mun ở bản Tràng Nặm, xã Chiềng On, huyện Yên Châu, Sơn La trong trang phục thầy mo. Bộ trang phục đầy đủ có mũ đội đầu, áo ngắn, thắt lưng, váy đen quấn ôm sát thân, dài từ hông đến gót chân.
Nổi bật trên chiếc áo ngắn đó là hàng cúc bạc cài khuy mang hình con ve sầu. Tóc búi cao, đội chiếc mũ sặc sỡ đủ màu tím, hồng, xanh, đỏ… nẹp kim tuyến.
Chiếc mũ được làm từ sải vải dài khoảng 1m, khâu nối rất nhiều những miếng vải ghép lại, đính những sợi cườm, dây hoa. Sau khi úp phần giữa vải vào búi tóc tạo hình chóp, hai phần thân khăn còn lại gắn với nhau bằng hàng cúc hình thỏ con xinh xắn, tạo thành chiếc mũ đội đầu độc đáo.
Chiếc mũ màu sắc với vô vàn hoa văn - minh chứng cho cấp bậc cao của thầy mo - người chủ trì chính trong cuộc lễ. Đây là chiếc mũ do chính bà làm ra. Vải màu dùng kim chỉ may đáp, nhất thiết phải có màu xanh dương, tượng trưng cho hành trình của thầy mo cầu khẩn từ dưới đất lên trời, trong quá trình "đuổi ma".
Bên trong chiếc mũ của thầy mo chính
Những tạo hình con thỏ bằng nhựa gắn trên mũ thời bây giờ mới khâu. Nhưng trước kia, tất cả tạo hình con vật gắn trên chiếc khăn này đều được đẽo bằng gỗ, tre, như con ve sầu, con ong,con bọ hung... rồi được thầy mo khâu lên chiếc khăn. Những con vật ấy có nhiệm vụ bảo vệ thầy mo không cho các loại ma xấu quấy nhiễu trong quá trình làm lễ.
Chiếc mũ là nơi "ma cúng" trú ngụ, có gắn những dây hoa. Không có chiếc mũ này, thầy cúng không thể làm lễ. Và chỉ khi thực hành nghi lễ, thầy cúng mới được đội chiếc mũ này.
Dây hoa buộc vào lưng, giữ không để cho "ma" ở ngoài xâm nhập vào thầy cúng.
Thầy mo phụ đội chiếc mũ giản đơn hơn với những miếng vải đáp hình tam giác nhỏ khâu ghép với nhau. Qua quá trình thăng cấp, thầy mo phụ mới được đội chiếc khăn của thầy cúng chính.
Truyền thuyết kể rằng: những mảnh vải ghép hình tam giác ấy là vỏ của con tê tê. Họ đính lên mũ vì quan niệm: con tê tê là con vật có sức mạnh vô địch trong các loài vật, nó có thể "trừ tà".
Nếu thầy mo chính có những tua chỉ nối nhau buộc lưng, áo của thầy phụ có những dây đơn tượng trưng - loại dây để buộc voi, buộc ngựa. Thầy phụ sẽ dùng dây đó để bắt các loại "ma" nếu thầy chính không bắt kịp. Tín ngưỡng vạn vật hữu linh của người Xinh mun cũng thể hiện rất rõ trên chiếc mũ cúng này. Bà mo khi thực hành nghi lễ đều được các thần ong, thần ve sầu, thần voi, thần tê tê… bảo vệ. Cũng chính vì quan niệm đó mà với những thầy cúng, chiếc mũ cúng vô cùng quan trọng. Không ai được phép động vào trừ chủ nhân của nó.
Viết bình luận