Đặc sắc lễ cưới truyền thống của người Pa Cô
Thứ ba, 09:56, 14/11/2023 Vinh Thông - Lê Hiếu/VOV miền Trung Vinh Thông - Lê Hiếu/VOV miền Trung
VOV4.VOV.VN - Huyện A Lưới, Thừa Thiên Huế vừa tái hiện lễ cưới của đồng bào dân tộc Pa Cô tại địa phương. Điều này góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, tạo sản phẩm du lịch hút khách đến với vùng cao A Lưới.

 

Theo phong tục tập quán của người Pa Cô ở huyện miền núi A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế, con trai, con gái đến tuổi dựng vợ, gả chồng, gia đình chuẩn bị các lễ vật tổ chức lễ cưới chu đáo. 

Đối với con trai, lễ vật là tiền, vàng, bạc, bò, heo... Con gái là tấm zèng, gạo, đặc sản, các loại gà, vịt, cá suối..

Để đi tới lễ cưới chính thức, người Pa Cô phải tiến hành các nghi lễ như: Lễ báo cáo với bố mẹ, thể hiện sự kính trọng của con cái với các bậc sinh thành, báo cáo bố mẹ khi mình đã có lựa chọn trong hôn nhân và chuẩn bị lễ vật cưới hỏi. Đám hỏi có ý nghĩa quyết định tiến tới hôn nhân, hai bên gia đình kết tình thông gia. 

Trong ngày cưới, phía nhà gái treo hai tấm zèng trước cửa nhà, báo hiệu gia đình có hỷ sự. Sáng sớm, trước khi đưa con gái về nhà chồng, gia đình nhà gái làm nghi lễ xuất gia và cẩn cáo với tổ tiên việc cháu gái đi lấy chồng, mong tổ tiên phù hộ cho sức khỏe, hạnh phúc và gặp nhiều may mắn.

Nhà gái mang theo một số lễ vật như: zèng, gà luộc, gói xôi… khi tiễn con gái về nhà chồng. Cô dâu choàng thêm lên người một tấm zèng gọi là “Pâr lang” để tránh những điều xui xẻo trên đường.

Ông Ploong Tương, thôn A Nôr, xã Hồng Kim, huyện A Lưới cho biết: “Lễ sẽ được tổ chức bên nhà gái trước, rồi mới làm lễ bên nhà trai. Trước đó, chúng tôi phải mời tất cả bà con, anh em, làng xóm đến chung vui ngày quan trọng của gia đình. Tất cả tập quán có từ ngày xưa, chúng tôi lưu giữ bởi đây là niềm tự hào của người Pa Cô".

Tại nhà chồng, mẹ chồng chờ sẵn, đón con dâu ngay cổng. Bà cởi tấm zèng trên người cô dâu và đeo cho cô chuỗi cườm như một nghi lễ đón nhận con dâu hiền. Tiếp đến, nhà trai tiến hành làm lễ nhận thông gia và lễ vật đại diện mà nhà gái mang theo cũng được trao luôn cho nhà trai trong nghi lễ này.

Nhà trai chuẩn bị thịt heo và thực hiện nghi thức Pa kloaq, thể hiện lòng kính trọng đối với nhà gái. Tại lễ này, nhà trai báo cáo tổ tiên dâu mới, mong tổ tiên phù hộ cho đôi vợ chồng trẻ hạnh phúc, cuộc sống suôn sẻ. Hai bên nhận thông gia, cam kết sẽ giúp đỡ nhau trong hoạn nạn, khó khăn. Những lễ vật nhà gái mang sang cũng được trao cho nhà trai ngay tại nghi thức này.

Chị Trần Thị Vỹ, thôn A Tia 2, xã Hồng Kim, huyện A Lưới cho biết: “Hôm nay, tái hiện lễ cưới đồng bào Pa Cô, em cảm thấy rất vui và rất vinh dự được tham gia, được bảo tồn, gìn giữ bản sắc văn hóa của đồng bào Pa Cô. Em cũng rất mong sau này, thế hệ trẻ lưu giữ những nét văn hóa truyền thống, lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác để bảo tồn bản sắc văn hoá của người đồng bào Pa Cô”.

Ngày nay, người Pa Cô không còn tục thách cưới như xưa nữa. Nhà trai cho của hồi môn chủ yếu để gửi gắm tình cảm, dặn lòng nhau bằng giai điệu Câr lợi thắm thiết yêu thương. Nhà trai tiếp tục nghi lễ tiễn nhà gái trở về nhà được bình an, gặp nhiều may mắn. Sau đó, 2 bên gia đình định ước thời gian tổ chức lễ cưới tại nhà gái. 

Anh Hồ Văn Bông, xã Đông Sơn, huyện A Lưới chia sẻ: “Tôi là một thanh niên trẻ nhưng tham gia lễ cưới đóng vai trò là người ông rất khó khăn. Mình tìm tòi để học hỏi từ các cụ, khi tiếp cận vẫn còn hạn chế cho nên rất mong các cụ truyền dạy lại những gì các cụ đã có để chúng tôi, những thế hệ trẻ có cơ hội phát huy bản sắc văn hóa dân tộc của người Pa Cô”.

Sau lễ cưới đầu tiên tại nhà trai, 2 bên gia đình làm lễ cưới tại nhà gái. Đến nhà gái, nhà trai chuẩn bị lễ vật và của hồi môn khá tươm tất. Những món ăn ngon, thức uống đặc biệt, nhà gái dâng lên tiếp đón nhà trai thưởng thức. Họ cùng trao nhau niềm vui, hạnh phúc, lời ca cha chấp ấm áp tình người, gửi gắm, gắn kết tình thông gia, cầu mong hạnh phúc lứa đôi.  

Nghi thức nhà gái trao hồi môn cho nhà trai cũng được thực hiện lần lượt trao cho ông bà thông gia rồi đến con rể, anh chị em... để gửi gắm tình cảm cùng những lời căn dặn yêu thương. Cuối cùng nhà gái tiễn gia đình và họ hàng thông gia kết thúc trọn vẹn việc cưới hỏi của đôi bên.

Nghệ nhân ưu tú Hồ Thị Tư, người am hiểu sâu sắc về lễ cưới người Pa Cô cho biết: “Hiện nay, theo xu hướng hiện đại, không ít gia đình đã lược bỏ những nghi thức tốt đẹp mà cần phải lưu lại. Thông qua việc tái hiện, chúng tôi muốn tuyên truyền cho bà con lưu lại những nét tinh hoa văn hoá tốt đẹp của dân tộc Pa Cô. Việc tái hiện lễ cưới truyền thống của các dân tộc thiểu số nói chung, dân tộc Pa Cô nói riêng là một sản phẩm văn hóa để phục vụ cho khách du lịch. Đặc biệt tại làng A Nôr - Việt Tiến là một làng du lịch cộng đồng của huyện A Lưới”.

Trải qua thời gian, lễ cưới truyền thống được người Pa Cô gìn giữ, đồng thời, có những thay đổi để phù hợp với xã hội hiện đại. Ngày cưới, các nam thanh, nữ tú trong làng mang những bộ trang phục đẹp nhất cùng hòa nhịp trong điệu múa, điệu nhảy, gắn kết tình lứa đôi, bạn bè. Tiếng trống, điệu khèn thôi thúc, làm không khí ngày cưới thêm rộn ràng.

Du khách Trương Thị Mỹ Lệ đến từ Đắk Lắk cảm nhận: “Đây là lần đầu tiên em tham dự mội chương trình lễ hội tái hiện như thế này. Em cảm thấy rất hào hứng, rất muốn hòa mình với không khí đám cưới của người Pa Cô”.

Theo bà Lê Thị Thêm, Trưởng phòng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế, huyện A Lưới chú trọng bảo tồn, khai thác các giá trị văn hóa nguy cơ bị mai một.

Trong các loại hình văn hóa vật thể và phi vật thể đồng bào các dân tộc huyện A Lưới bảo tồn khá nguyên vẹn. Đặc biệt, trong những năm gần đây, các hoạt động dân ca, dân nhạc, dân vũ, lễ hội, ẩm thực… của đồng bào dân tộc thiểu số được phục dựng, tái hiện gần như nguyên vẹn.

Lễ cưới của người Pa Cô là một nghi lễ lớn, quan trọng của gia đình, họ tộc, có giá trị nhân văn sâu sắc trong cuộc đời mỗi con người.

Sự kiện này đánh dấu sự trưởng thành của con trai, con gái Pa Cô bước ra khỏi vòng tay cha mẹ để cùng bạn đời xây dựng, vun đắp tổ ấm gia đình, yêu thương, gắn bó bên nhau đến đầu bạc răng long.

Vinh Thông - Lê Hiếu/VOV miền Trung

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC