Sen ĐônTa (hay còn gọi là Bun Pchum bânh) là lễ hội truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa của đồng bào Khmer được lưu giữ qua nhiều thế hệ, có ý nghĩa hết sức tốt đẹp tương tự như Lễ Vu Lan báo hiếu của người Việt. Lễ Sen ĐônTa tính theo Phật lịch, thông thường đến sau rằm tháng 7 âm lịch (Lễ Vu Lan báo hiếu).
Theo tiếng Khmer, từ “Sen” có nghĩa là cúng, còn “Đôn” có nghĩa là bà, “Ta” nghĩa là ông. Như vậy, “Sen ĐônTa” có nghĩa là “cúng ông bà”. Theo ông Lý Sương - À char chùa MuNiRenSây, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ, trong văn hóa tín ngưỡng của bà con Khmer, lễ Sen ĐônTa rất được xem trọng. Vì đây là dịp để con cháu, những người còn sống tưởng nhớ công ơn của bậc sinh thành, tổ tiên, ông bà, những người thân đã khuất, nhằm thể hiện truyền thống “Cây có cội, nước có nguồn”.
Còn ông Thạch Sroh ở xã Đôn Châu, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh phân tích ý nghĩa và các nghi thức diễn ra trong dịp Lễ Sen ĐônTa: “Nghi thức Kan bânh diễn ra trong vòng 13 ngày (từ ngày 01 đến ngày 13 tháng photrobot), mỗi ngày bà con phật tử chuẩn bị thức ăn, bánh trái đem vào chùa dâng lên, cúng dường cho nhà sư, rồi đọc kinh nhằm hồi hướng phước báu cho những người quá cố. Đến ngày 14, bà con cùng nhau thực hiện nghi thức rước linh hồn ông bà từ chùa về chơi với con cháu và thực hiện nghi thức cúng ông bà tại nhà, do đó mới gọi là Sen ĐônTa. Đến ngày 15 là ngày cuối cùng, ngày tiễn ông bà, nhà nhà đều tập trung thực hiện nghi thức tại chùa, gọi là “Bun pchum bânh” rất vui và nhộn nhịp hơn, sau đó kết thúc”.
Để đón Lễ Sen ĐônTa, từ nhiều ngày trước, bà con Khmer đã dọn dẹp nhà cửa, trang trí bàn thờ tươm tất. Ngoài cúng ở nhà, mọi nghi thức quan trọng đều diễn ra tại chùa, nên bà con cũng tranh thủ đến chùa phụ giúp treo cờ phướn, quét dọn khuôn viên, tu bổ, sơn phết… chuẩn bị chu đáo nhất cho dịp lễ. Song song đó, các gia đình tùy điều kiện kinh tế, mỗi ngày đều làm cơm, các món ăn đặc trưng, truyền thống của dân tộc dâng lên cho các vị sư sãi, thành tâm tụng kinh, cầu nguyện nhằm hồi hướng phước báu cho những người quá cố.
Bà Huỳnh Thị Đa Line, phật tử chùa MuNiRenSây, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ cho biết: “Các món ăn cúng trong dịp Sen ĐônTa thường là những món ẩm thực truyền thống, gần gũi của dân tộc như các loại bánh, trái cây, thức uống, những món chế biến từ các loại nông sản vừa thu hoạch, được dâng lên nhằm báo với tổ tiên, ông bà về vụ mùa thắng lợi…. Có người chuẩn bị những món ăn mà người quá cố khi còn sống ưa thích. Nói chung, tùy điều kiện kinh tế và sự chuẩn bị của từng gia đình, nhưng tất cả đều thể hiện lòng thành kính, tưởng nhớ đến những người đã khuất”.
Lễ Sen ĐônTa, các thành viên trong gia đình đi làm ăn, học tập ở xa cũng tranh thủ về nhà thắp nén nhang tưởng nhớ đến tổ tiên, ông bà và đến chùa cúng Phật. Đây cũng là dịp để anh em, bà con gặp gỡ, thăm hỏi lẫn nhau nhằm thắt chặt thêm tình đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng. Ông Đào Tho ở xã Định Môn, huyện Thới Lai, thành phố Cần Thơ chia sẻ: “Dịp này, mọi người sắp xếp thời gian về sum họp với gia đình. Trước tiên là giữ gìn phong tục tập quán, tưởng nhớ đến nguồn cội. Bên cạnh đó, cũng là dịp thăm hỏi những người thân quen, ôn lại những kỷ niệm xưa, chúc cho nhau những lời tốt đẹp. Hay giao lưu, trao đổi kinh nghiệm trong làm ăn, học tập, lao động sản xuất v.v… tạo mối quan hệ gần gũi, gắn bó, kể cả các dân tộc khác trên địa bàn, cùng nhau đến chung vui ngày lễ tết, đoàn kết, giao thoa văn hóa giữa các dân tộc”.
Lễ Sen ĐônTa là một lễ lớn trong năm của đồng bào Khmer, mang đậm bản sắc văn hóa đặc trưng của dân tộc, với ý nghĩa hết sức nhân văn, thể hiện sự hiếu đạo của con cháu, những người còn sống đối với tổ tiên, ông bà, những người thân đã khuất. Dù đi đâu, về đâu bà con vẫn hướng về nguồn cội. Tuy cuộc sống ngày càng hiện đại, nhưng Lễ Sen ĐônTa của đồng bào dân tộc Khmer vẫn luôn được gìn giữ. Qua đó, góp phần bảo tồn và phát huy vốn văn hóa phong phú của đồng bào Khmer, góp chung vào sự đa dạng, đặc sắc của nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc./.
Viết bình luận