Đắk Lắk: Gìn giữ di sản văn hóa Êđê thông qua các lớp truyền dạy
Thứ hai, 15:31, 18/09/2023 H Xíu/VOV Tây Nguyên H Xíu/VOV Tây Nguyên
VOV4.VOV.VN - Từ giữa năm nay, Đắk Lắk đẩy mạnh công tác bảo tồn văn hóa truyền thống các dân tộc tại chỗ. Bên cạnh các lớp dạy về âm nhạc cồng chiêng, hát múa dân gian như mọi năm, Đăk Lăk còn mở các lớp truyền dạy diễn xướng sử thi, lời nói vần cho nhiều người dân ở các buôn làng.

 

Dưới những tán cây cổ thụ ở bến nước đầu nguồn, bên vòi nước róc rách chảy, bà H Djuôn Niê (amí Tuir), ở buôn Phơng, xã Ea Tul, huyện Cư Mgar, tỉnh Đắk Lắk diễn xướng lại bài sử thi mới được học. Nội dung bài kể là câu chuyện về chàng Dăm Yi, trong đó có nhiều đoạn mô tả truyền thuyết gắn với bến nước buôn Sah B, xã Ea Tul ngày nay. Vì mới học, nên bà thường xuyên nhẩm lại cho thuộc. Bà H Djuôn cho biết, hồi giữa năm nay, bà tham gia lớp truyền dạy hát kể sử thi được tổ chức tại xã Ea Tul. Trong 2 tháng, bà đã được nghệ nhân giới thiệu làm quen một số bài sử thi tiêu biểu của người Êđê, hướng dẫn cách diễn xướng nói vần, hát vần các sử thi này. Sau gần 20 năm, lớp mới được tổ chức lại, nên từ khi nghe tin, bà đã hào hứng đăng ký tham gia.

'Bản thân tôi thì kể cả múa, hát, kưt tôi cũng muốn tham gia. Vì vậy mà được học lớp này thì tôi rất vui mừng, phấn khởi và sẽ cố gắng từ nay về sau để có thể truyền dạy, để các con cháu trong nhà cũng có thể biết được những điều tôi đã học và mong là chúng sẽ giỏi hơn. Kể cả ay-ray, kưt, hát đối đáp hát vần cũng để các cháu học hết để lưu giữ." - Bà H Djuôn cho biết thêm.

Lớp truyền dạy hát kể sử thi do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đắk Lắk tổ chức tại xã Ea Tul thuộc dự án Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Dự án được Trung tâm Hợp tác Quốc tế tỉnh Jeollabuk (Hàn Quốc) tài trợ. Đã có gần 30 học viên là bà con người Êđê ở xã Ea Tul tham gia lớp, học đều đặn vào 3 buổi tối mỗi tuần. Tham gia truyền dạy, nghệ nhân Y Dhin Niê (ama Ruin), ở buôn Tría, xã Ea Tul chia sẻ: bản thân anh cũng trưởng thành từ lớp truyền dạy vào năm 2004 do nghệ nhân ưu tú Y Wang H Wing trực tiếp hướng dẫn. Từ đó đến nay, anh có cơ hội được đi nhiều nơi để thể hiện các bài sử thi và giới thiệu văn hóa dân tộc mình tới nhiều quốc gia. Bây giờ có lớp truyền dạy, anh có thêm cơ hội truyền lại những hiểu biết của mình để nhiều bà con cùng biết và chung tay giữ gìn.

Song song với lớp truyền dạy hát kể sử thi tại xã Ea Tul, lớp truyền dạy kỹ năng cơ bản về lời nói vần của người Êđê cũng được tổ chức tại xã Cuôr Dăng, huyện Cư Mgar. Lớp có hơn 20 học viên, chủ yếu là thanh niên người Êđê tại xã theo học. Các học viên được nghệ nhân truyền đạt những nội dung về ngữ văn dân gian, kỹ năng thực hiện diễn xướng, ca hát lời nói vần, giới thiệu những bài hát sử dụng lời nói vần trong sinh hoạt hàng ngày. Chị H Tuyết Niê, ở buôn Cuôr Dăng A, xã Cuôr Dăng, huyện Cư Mgar cho biết: "Qua các buổi học thì em sẽ tiếp thu và sẽ truyền lại cho con cháu sau này để hiểu hơn về những bài Kưt, Ay-ray này để cho các cháu về những văn hóa ông cha mình đã truyền lại cho mình để không quên đi truyền thống và văn hóa, phong tục của người Êđê."

Cùng với các lớp truyền dạy sử thi và lời nói vần Êđê, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đắk Lắk còn mở lớp truyền dạy đánh chiêng Arap kết hợp múa xoang của người Gia Rai tại xã Ea Sol, huyện Ea H’leo; cấp chiêng và trang phục truyền thống cho các đội chiêng, đội văn nghệ tiêu biểu. Sở cũng đi khảo sát, sưu tầm các bài chiêng, lời nói vần của người Êđê để biên soạn, in sách. Ông Lại Đức Đại, Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đắk Lắk cho biết, với sự hỗ trợ của Trung tâm Hợp tác Quốc tế tỉnh Jeollabuk (Hàn Quốc), các hoạt động bảo tồn văn hóa ở địa phương đã được triển khai một cách mạnh mẽ, hiệu quả. Đây cũng là năm thứ 2 tỉnh Jeollabuk tài trợ cho Đắk Lắk, kinh phí tài trợ được nâng lên là 55 nghìn USD.

"Tỉnh Jeollabuk đánh giá rất cao sự phối hợp của tỉnh Đắk Lắk và họ đã nâng mức hỗ trợ lên. Càng ngày thì họ càng cảm thấy việc hỗ trợ đó có ý nghĩa, có hiệu quả, tác dụng trong đời sống cộng đồng trong việc bảo tồn và gìn giữ di sản văn hóa phi vật thể cồng chiêng và các di sản khác. Từ sự hỗ trợ của tỉnh Jeollabuk thì chúng ta thấy trách nhiệm của chúng ta trong việc bảo tồn và phát huy này, cần phải chú trọng hơn nữa. Nước bạn, tỉnh bạn đã có thiện chí bảo tồn văn hóa cho mình như vậy thì chính bản thân mình hơn ai hết, phải cố gắng gấp 2 gấp 3 lần so với những gì trước đây mình đã cố gắng" - Ông Lại Đức Đại cho biết thêm.

Tỉnh Đắk Lắk hiện có 3 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia gồm Sử thi Êđê được công nhận năm 2014; Lời nói vần Êđê và tín ngưỡng Lễ mừng thọ của người M'nông được công nhận năm ngoái. Với các lớp truyền dạy đang được tổ chức, sẽ góp phần tốt hơn để lan tỏa và phát huy những di sản này trong cộng đồng, từ đó nâng cao hiệu quả gìn giữ, bảo tồn các di sản này trong thời gian tới./.

H Xíu/VOV Tây Nguyên

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC