Từ trung tâm thị trấn Tủa Chùa, lần theo những âm thanh réo rắt, da diết trong gió của tiếng khèn Mông vọng lại, chúng tôi tìm đến ngôi nhà của nghệ nhân Giàng A Sử nằm chênh vênh giữa lưng núi của bản Huổi Lếch, xã Mường Báng.
Ông Giàng A Sử là một trong số rất ít những nghệ nhân của tỉnh Điện Biên vừa biết thổi, lại vừa biết chế tác ra cây khèn Mông. Ở độ tuổi 80, ông Sử vẫn miệt mài với những cây khèn đã nuôi dưỡng tâm hồn mình từ nhỏ.
Dù tuổi cao, song ông Giàng A Sử vẫn luôn ở bên con kèm cặp, hỗ trợ để chỉnh âm cho những chiếc khèn mới được làm ra
Học thổi khèn từ bé, nhưng đến tận năm 17 tuổi ông Sử mới tự chế tác được một chiếc khèn hoàn chỉnh, và phải mất hơn chục năm mới có thể làm phát ra được âm thanh chuẩn của cây khèn. Chưa bao giờ nhận mình là nghệ nhân, song qua hàng chục năm tôi luyện với nghề làm khèn, đôi tay chế tác của ông đã trở nên điêu luyện.
Ông Sử chia sẻ: để làm được cây khèn Mông không khó, nhưng để khèn có âm thanh hay, đạt chuẩn thì ngoài việc tỉ mỉ khi chế tác, bản thân người tạo ra cây khèn phải đặt cả tâm hồn mình vào các công đoạn làm khèn.
Cũng bởi cái khó và sự khắt khe của nghề làm khèn, mà bốn người con trai của ông Sử chỉ có duy nhất một người học và theo được nghề. Giờ đây, dù tuổi cao, song ông vẫn luôn ở bên con kèm cặp, hỗ trợ để chỉnh âm cho những chiếc khèn mới được làm ra.
Ông bảo, với gia đình ông và đồng bào Mông, cây khèn không chỉ đơn thuần là nhạc cụ để gửi gắm, thổ lộ tâm tình, mà tiếng khèn còn được xem như sợi dây, phương thức kết nối giữa cõi trần và thế giới tâm linh. Quan trọng là vậy, nên dẫu trải qua biết bao cuộc thiên di, thì các dòng họ người Mông vẫn phải tìm cho được một thế hệ kế nghiệp, nối truyền.
Anh Giàng A Khày, con trai nghệ nhân làm khèn Giàng A Sử, nói: "Ngày xưa còn bé không biết gì, cứ thấy bố làm, thích thích rồi học theo làm. Vài ba năm sau dần làm được, rồi cứ thế theo học bố làm cho đến tận bây giờ. Nếu ai thích mà có nhu cầu muốn học làm thì mình sẵn sàng truyền cho để giữ văn hóa của mình mãi mãi. Bởi vì đối với dân tộc Mông mình thì cây khèn này rất quan trọng. Đi chợ tình hoặc biểu diễn văn nghệ chỉ là phụ thôi. Quan trọng nhất là dùng trong đám tang. Đám tang mà không có cây khèn này thì không thể làm được, người sống và người chết không thể nói chuyện với nhau được".
Sẵn sàng truyền nghề cho những ai muốn tìm hiểu
Ngoài gia đình ông Sử, hiện nay ở Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên đang khuyến khích và duy trì tốt hai cơ sở chế tác khèn Mông khác, phục vụ không chỉ nhu cầu trong huyện, trong tỉnh, mà còn cho các vùng lân cận có đồng bào Mông sinh sống.
Cùng với chế tác, nghệ thuật thổi khèn, múa khèn Mông cũng đang được huyện Tủa Chùa nỗ lực bảo tồn. Từ năm 2009, huyện đã xây dựng thành công dự án khôi phục những nét đặc sắc của văn hóa khèn Mông, duy trì một lớp dạy thổi và múa khèn cho lớp trẻ. Huyện vùng cao nguyên này cũng thường tổ chức các hoạt động du xuân, ngày hội văn hóa các dân tộc, tạo cho các thế hệ chơi khèn có dịp thể hiện, giao lưu, học hỏi, qua đó gìn giữ tốt nhất các làn điệu khèn còn lưu truyền trong dân gian.
Ông Vừ A Ký, Phó Trưởng phòng Văn hóa huyện Tủa Chùa, cho biết: "Tủa Chùa đã tổ chức được một lớp truyền dạy, gìn giữ. Còn đối với 2 nghệ nhân còn giữ gìn được nghề chế tác khèn thì đã có nghệ nhân Giàng A Sử được công nhận nghệ nhân cấp quốc gia vào năm 2014".
Huyện Tủa Chùa cách trung tâm thành phố Điện Biên Phủ 130km. Đây là vùng đất của mênh mông núi đá tai mèo, tỷ lệ đồng bào Mông chiếm 70%. Dù cuộc sống có những biến động, song với người Mông nơi đây, chiếc khèn vẫn là loại nhạc cụ không thể thiếu, như vốn dĩ từ xa xưa nó đã có mặt trong mỗi dịp chợ phiên, du xuân, lễ hội hay lên nương rẫy. Và, vẫn còn đó những người như ông Sử.
Vũ Lợi/VOV-Tây Bắc
Viết bình luận