Độc đáo lễ cầu mưa
Tháng 3 – tháng của mùa lên nương làm đất, gieo trồng, người Khơ Mú ở xã Nà Nghịu, huyện Sông Mã, Sơn La sẽ làm lễ cầu mưa. Ông Vì Văn Thương bảo, quê ông mùa này bản người Khơ Mú rộn ràng lắm. Ai cũng háo hức, chuẩn bị cho lễ cầu mưa diễn ra suôn sẻ.
Xưa, người Khơ Mú làm ăn vất vả, cả năm mới có được mùa lúa. Mọi thành quả đều trông chờ cả vào thời tiết, nên bắt đầu mùa tra hạt, bà con sẽ làm nghi lễ này với ước nguyện một năm mưa thuận gió hòa, cho mùa màng thắng lợi.
Là nghi lễ của cộng đồng nên mỗi gia đình sẽ cùng nhau góp lễ. Trưởng bản cùng bà con chọn ngày lành, giờ tốt tiến hành rồi phân công mỗi người mỗi việc. Người mời thầy cúng, người đồ xôi, người chuẩn bị rượu, thịt... Cả những người phụ lễ cũng được chọn kỹ càng để lễ cầu mưa diễn ra tươm tất nhất.
Giờ lành đến, cả bản kéo ra khoảng đất trống nơi con suối đã chọn cùng lễ bái trước sự chủ trì của thầy cúng. Ai cũng khấn nguyện để thần linh phù hộ cho dân bản mạnh khỏe, vạn vật sinh sôi, phong đăng hòa cốc.
“Không chỉ riêng trẻ con, cả người lớn được chọn ra, kể cả biết nói để gọi mưa xuống. Cũng chọn ra để nhảy xuống suối, xong là té nước với nhau. Té nước vào cho nhau, người này té cho người kia xong là té vào cả cây khoai nước mình trồng lại. Tạo ra có mưa. Ở Điện Biên tôi thấy họ làm không giống trên này. Thầy cúng cũng làm, gọi mưa xuống. Họ tạo con rồng giả bằng cái cây gỗ, bọc lại thành cái giấy thành con rồng, con thuồng luồng. Xong là họ có một ông đóng vai người trời, xua đuổi tất cả những hạn hán này đuổi đi. Cái này có một vùng họ làm như thế, vùng tôi không làm như thế”. – Ông Vì Văn Thương nói.
Ở nước ta, người Khơ Mú sinh sống chủ yếu ở các tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An. Dù sinh sống ở các địa vực khác nhau, nhưng họ đều có nét tương đồng trong bản sắc. Và nghi lễ cầu mưa cũng vậy. Dù cách thức tổ chức có khác nhau, nhưng tựu trung lại nghi lễ đều xuất phát từ những tín ngưỡng liên quan đến nông nghiệp, những ước nguyện về một mùa bội thu mà đồng bào Khơ Mú đã có cho mình một nghi lễ độc đáo, làm nên bản sắc riêng có của tộc người.
“Đây là lễ thường niên. Năm nào kể cả hạn hán thì đấy là việc của trời mình cũng chịu. Việc làm thì mình cứ làm”.
Chưa làm lễ tra hạt chưa xuống giống
Khi tiến hành nghi lễ cầu mưa xong xuôi, những ngày sau đó các gia đình mới tiến hành phát nương, làm rẫy. Chòi canh rẫy sẽ được chủ nhà dựng cạnh nương để chăm nom cây trồng cũng như canh chừng muông thú về phá hoại. Tuy nhiên, trước khi tra hạt, gia chủ sẽ tiến hành làm một nghi lễ riêng cho công việc này, đó là lễ tra hạt.
Cũng xuất phát từ mong muốn cây trồng không sâu bệnh, lúa ngô trên nương phát triển, đồng bào có lễ tra hạt này. Họ làm luôn trên nương. Trong căn nhà chòi canh lúa, rượu cần được cột ở góc nhà gần bếp cúng, một ép khẩu thơm nếp xôi, một con gà được bày biện cẩn thận. Chủ nhà khấn lễ, mời thần linh, tổ tiên về chứng dám và phù hộ cho con cháu một năm làm ăn thuận lợi.
“Lễ tra hạt cũng mời con vật phá phách lúa ngô, cái hồn của nó về để ăn. Như con lợn rừng, con chuột, con khỉ này. Ăn xong là đuổi đi không về phá hoại nữa. Tra xong lại làm cái lễ rửa dụng cụ. Cái gậy tra hạt mình vạt nhọn 1 đầu để chọc lỗ, bỏ hạt. Sau khi xong tra hết, người ta mang cái nước trong cái ống rửa tay người phụ nữ. Rửa xong là còn nước ở trong kia té đi xung quanh khu vực đấy xong là xong. Ý nghĩa là để cho cây lúa mình không có cái con vật phá hoại, bới móc nó lên. Coi như mình đã làm xong. Như thế cây lúa sẽ mọc, sẽ tốt”. – Ông Thương lý giải.
Đó là nghi thức cúng lễ tra hạt của người Khơ Mú ở xã Nà Nghịu, huyện Sông Mã, Sơn La. Còn theo ông Quàng Văn Cá, người Khơ Mú ở bản Tọ Cuông, xã Ẳng Tở, huyện Mường Ảng, Điện Biên lại có cách thực hành lễ khi nhắm mắt.
“Chuẩn bị tra hạt, mình làm một chiếc lều nhỏ, đặt con gà, miếng trầu và chai rượu vào đấy. Khấn xong người ta lấy lá chuối, buộc cái cọc cây người ta chặt phát nương thôi. Coi như là bịt mắt con thú không nhìn thấy. Khi buộc, người buộc đó phải nhắm mắt lại. Bảo con thú phải mù như tôi này, không tìm được hạt thóc, hạt ngô. Không được phá hoại mùa màng nữa. Tức là mình buộc úp vào cái cọc đấy. Cái người buộc cũng phải nhắm mắt thế này. Buộc xong, tra hạt xong người ta rửa tay hết vào ống rồi lấy nước đó tưới nương. Rắc, người ta khấn cho mưa xuống, hạt thóc, hạt ngô nảy mầm đều”.
Mừng cơm mới – ngày đoàn viên, mừng mùa
Sau mùa tra hạt, người nông dân Khơ Mú lại cần mẫn trên nương làm cỏ, chăm sóc lúa.
Cuối tháng 8, đầu tháng 9, khi những bông lúa đã chắc hạt, chuẩn bị được thu hoạch, bà con Khơ Mú lại có lễ mừng cơm mới, mừng cho một mùa sản xuất thuận lợi. Đây cũng là dịp đoàn viên của các con cháu trong gia đình.
Sáng sớm ngày làm lễ cơm mới, bà chủ nhà dẫn đầu các thành viên trong nhà lên nương, tuốt những bông lúa tròn mẩy, trĩu hạt, mang về phơi thật khô mới đem giã, đồ cơm, mổ gà mời bố mẹ về ăn bữa cơm mới.
Ông Thương cho biết: “Gia đình nào gia đình ấy làm. Bởi vì cúng cho bố mẹ ăn cơm mới chỉ trong một nội bộ gia đình thôi. Ăn xong là người ta còn buộc chỉ tay các thành viên trong gia đình để ăn năm lúa mới đấy phải có sức khỏe mới”.
Nghi lễ mừng cơm mới của người Khơ Mú được tổ chức để nhắc nhở con cháu nhớ về tổ tiên, ông bà, cảm ơn người đã khuất đã phù trợ cho con cháu một mùa làm ăn khấm khá, con cháu khỏe mạnh.
Là một nghi lễ đơn giản nhưng lại mang tính đoàn kết cộng đồng, gia đình, dòng họ, là mùa vui của bản làng. Cho nên, đến nay, nghi lễ mừng cơm mới vẫn luôn được bà con Khơ Mú gìn giữ và tổ chức mỗi dịp thu về.
Viết bình luận