Độc đáo nghệ thuật khèn của người Mông
Chủ nhật, 07:52, 14/07/2024 Thu Cúc/VOV4 Thu Cúc/VOV4
VOV4.VOV.VN - Khèn là một nhạc cụ độc đáo của người Mông. Xa xưa, nó là một nhạc khí thiêng. Và rồi nó trở thành một phương tiện giải trí trong đời sống tinh thần của người Mông.
Nghệ nhân Lý Hồng Quân (xã Nghiên Loan, huyện Pác Nặm, Bắc Cạn) cùng học trò Dương Văn Minh trình diễn khèn Mông tại Làng Văn hóa

 

Khèn Mông là một nhạc cụ tự thân vang làm bằng trúc, nứa. Nó gồm 3 cặp ống ngang cắm song song nhau vào bầu đàn. Mỗi ống trúc có 1 miếng đồng riêng. Ống ngắn nhất và to nhất được gắn 2 miếng để đảm bảo độ rung và âm thanh của khèn.

Việc tạo lưỡi gà rất quan trọng, độ trầm bổng, vang ngân của tiếng khèn phụ thuộc vào việc chỉnh các lưỡi đồng, mỏng dày thế nào, to nhỏ. Việc chế tác chiếc khèn có rất nhiều công đoạn và làm thủ công.

Lễ hội, tang ma, đi chợ, lên nương, đi rừng người ta có thể thổi khèn Mông. Âm thanh của khèn cất lên xua tan nỗi mệt nhọc trèo núi, vượt đèo của mỗi chuyến đi rừng. Nó khiến bước chân xuống chợ của cánh thanh niên Mông như nhanh hơn, vui hơn để mau nhập hội khoe tài.

Tiếng khèn cũng là cầu nối mát tay cho con trai, con gái người Mông. Chàng trai Mông nào biết thổi khèn sẽ có nhiều cô gái để ý.

Và khi chết đi, tiếng khèn sẽ đưa đường dẫn lối hồn người chết về với thế giới tổ tiên. Qua tiếng khèn, người ở lại bày tỏ nỗi niềm với người nằm xuống.

Khèn Mông không chỉ là một nhạc cụ. Nó còn là một đạo cụ để người thổi khèn có thể trình diễn những điệu múa hay.

Thu Cúc/VOV4

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC