Đúng 9 giờ, lễ cúng cầu mưa ở làng Hnap bắt đầu. Già làng Bac mặc lễ phục, chậm rãi bước đến ngồi trước ghè rượu trên một mô đất cao ráo, sạch sẽ trong làng, xung quanh là sự góp mặt của bà con dân làng cùng khách tham quan đang hào hứng theo dõi buổi lễ.
Trước khi cúng, già làng đặt các món lễ vào giá đã chuẩn bị để trước ghè cùng với con gà, thịt heo và đặt trên lá chuối, già làng cầm lá vẫy bằng tay 3 lần rồi khấn mời các vị Yang Kông, Yang Đak (thần núi, thần sông) nhận lễ. Sau bài khấn kéo dài chừng 15 phút, dân làng sẽ được lần lượt cùng nhau thưởng thức rượu cần.
Già Bac chia sẻ: “Lễ này từ hồi xưa đã có rồi nhưng gần đây ít được thực hiện. Hôm nay được sự quan tâm của chính quyền, sau này dân làng sẽ quan tâm và thường xuyên tổ chức hơn. Bài khấn của tôi với mong muốn bà con có cuộc sống ấm no, có nhiều sức khỏe, mong mùa mưa xuống làm mát cho cây cối, cho vụ mùa tươi tốt, ấm no hơn. Tôi khấn những lời ấy để các thần chứng giám”.
Lễ cúng cầu mưa là nghi lễ truyền thống của dân tộc Ba Na và các dân tộc khác ở Tây Nguyên, thường được tổ chức trước khi bắt đầu vụ lúa rẫy trong năm, cầu mưa thuận gió hòa, ít sâu bệnh hại, mùa màng tốt tươi. Đây cũng là dịp bà con ở các buôn làng có dịp chung vui.
Chị A Ngai, người dân làng Hnap, xã Kdang, huyện Đăk Đoa, Gia Lai chia sẻ: "Tôi đến giúp dân làng cầu mưa, chuẩn bị cơm lam, thịt heo, thịt gà và những thứ khác với mong muốn trời cho dân làng mùa mưa để tốt hơn mùa vụ”.
Theo UBND huyện Đăk Đoa, việc tổ chức phục dựng lễ cúng cầu mưa ở làng Hnap là một phần trong Đề án bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc theo tinh thần Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 09/6/2014 của Ban chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XI) về Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Bà Kiều Thu Hương, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Đăk Đoa cho biết, việc phục hồi, phát huy các nghi lễ truyền thống còn nhằm thắt chặt tình đoàn kết gắn bó trong cộng đồng, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội ở các buôn làng.
"Huyện đã phối hợp với các xã phục dựng lại các lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc Ba Na, Jrai, trên địa bàn như lễ mừng lúa mới, lễ cúng giọt nước, lễ cầu mưa. Việc phục dựng các lễ hội này để tuyên truyền, vận động nhân dân phát huy bản sắc văn hóa, truyền thống tốt đẹp của các dân tộc trên địa bàn huyện”. - Bà Kiều Thu Hương nhấn mạnh.
Viết bình luận