Đã từ rất lâu, sư tử là con vật thiêng, được đồng bào Tày-Nùng ở Lạng Sơn quý trọng và chào đón với một tình cảm đặc biệt. Con sư tử bước đầu được đón từ bờ nước lên, bởi nó cùng với con người và con khỉ đã tìm thấy những giọt nước đầu tiên.
Theo truyền thuyết, cũng như con hổ, sư tử là chúa sơn lâm, vua của các loài vật. Do vậy, múa sư tử sẽ xua đuổi được ma tà. Cho nên, múa sư tử còn được đồng bào Tày-Nùng yêu thích vì có nhiều vũ điệu khỏe khoắn, phù hợp với tinh thần thượng võ của người miền núi.
Người già kể rằng, mỗi khi tổ chức múa sư tử mèo, đồng bào Tày-Nùng ở Lạng Sơn phải tổ chức mâm lễ cùng cầu 5 phương phật, chín phương trời ở bờ sông, suối hoặc nơi đầu nguồn mạch nước.
Múa sư tử mèo thể hiện tinh thần thượng võ của cộng đồng người Tày-Nùng ở Lạng Sơn, là biểu tượng của sự may mắn, hạnh phúc trong cuộc sống. Đồng bào quan niệm múa sư tử mèo để xua đi những điều xấu nên khuôn mặt mèo càng dữ tợn càng tốt, điệu võ càng mạnh mẽ càng hay. Người múa sư tử mèo sẽ điều khiển một chiếc đầu có hình dáng gần giống đầu sư tử nhưng mặt nạ có khuôn mặt của con mèo. Đặc biệt, đầu sư tử được chính bà con tự làm bằng nguyên liệu sẵn có, kết hợp với nhiều màu sắc sặc sỡ như: Đỏ, đen, vàng hay xanh đậm...
Múa sư tử mèo sử dụng những đạo cụ như: Mặt báo đông (còn gọi là mặt khỉ), chiêng, chũm chọe, đinh ba chạc, gậy, đoản đao, kiếm, dao nhọn…
Trong bài múa sư tử mèo, không thể thiếu phần biểu diễn võ thuật. Các bài quyền, kiếm, binh khí thể hiện sức mạnh, sự dẻo dai của con người. Sức mạnh ấy, sẽ luôn bảo vệ dân làng trước mọi hiểm nguy. Vào dịp tết, ngày hội đến với vùng đất xứ Lạng được xem các chàng trai Tày-Nùng biểu diễn, chúng ta mới cảm nhận được các điệu múa độc đáo, hấp dẫn như thế nào.
Viết bình luận