Lâm Đồng: Già làng giữ tiếng K’Ho
Thứ năm, 10:04, 02/11/2023 Sài gòn Giải phóng Sài gòn Giải phóng
VOV4.VOV.VN - Bao năm qua, nhiều già làng của đại ngàn Tây Nguyên luôn miệt mài gìn giữ văn hóa dân tộc. Với họ, muốn giữ được phong tục tập quán của đồng bào mình, phải giữ được “cái chữ, cái tiếng”. Già Păng Ting Uốk (70 tuổi, người K’Ho) là một trong số đó. Ông ngày đêm miệt mài truyền dạy tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình cho những thế hệ sau.

 

Kết nối và lan tỏa

Đón đoàn du khách nước ngoài trải nghiệm khám phá từ Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà về thôn Đạ Blah, anh Nguyễn Thư Bính, 38 tuổi, cán bộ UBND xã Đạ Nhim, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng nhiệt tình kết nối những người bạn quốc tế với bà con trong thôn, khi những người này có nhu cầu tìm hiểu văn hóa bản địa.

Anh Bính nói: “Tôi có thể nghe, hiểu được một chút tiếng nước ngoài. Nghe du khách nói, tôi dịch lại cho bà con. Rất nhiều du khách muốn tìm hiểu về vật dụng, công cụ sản xuất, màu sắc hoa văn thổ cẩm, hay những món ăn truyền thống của đồng bào. Bằng những kiến thức được học về tiếng K’Ho, tôi lắng nghe bà con, rồi sẽ dịch lại cho du khách”.

Từ vùng quê miền Trung, anh Nguyễn Thư Bính vào Lâm Đồng học tập rồi lập nghiệp. Giống như bao người, khi thi tuyển công chức viên chức hành chính, anh lựa chọn học và thi ngôn ngữ tiếng K’Ho như một phần bắt buộc. Anh Bính nhớ lại: “Thời gian đầu học tiếng, chúng tôi phải nhận biết được mặt chữ, rồi sau đó là những nguyên âm, phụ âm. Lâu dần khi đã quen, tôi được học thêm về các câu giao tiếp gắn với văn hóa địa phương…”.

Để có vốn ngôn ngữ K’Ho, anh Nguyễn Thư Bính là một trong nhiều người đã được thụ giáo thầy Păng Ting Uốk. “Tấm lòng nhiệt huyết, sự kiên nhẫn của thầy đã giúp chúng tôi dễ hiểu và không bị nản chí. Sau gần nửa năm học thầy, tôi có thể trao đổi cơ bản với người bản địa”, anh Nguyễn Thư Bính tâm sự.

Già Păng Ting Uốk là người từng có nhiều năm công tác trong các ban ngành của huyện Lạc Dương và sau này làm Phó Ban Dân tộc tỉnh Lâm Đồng. Năm 2005, thực hiện chương trình dạy tiếng K’Ho cho cán bộ, công chức, Bộ GD-ĐT đã phối hợp UBND tỉnh Lâm Đồng và các sở, ban, ngành ban hành bộ khung, chương trình chi tiết về tài liệu dạy tiếng K’Ho. Từ đó, già Păng Ting Uốk cùng một số cộng sự đã tham gia dịch tiếng K’Ho ra tiếng Việt, làm tài liệu dạy ngôn ngữ K’Ho cho các lớp cán bộ công chức, lực lượng vũ trang, cán bộ xã, huyện.

“Năm 2011 tôi nghỉ hưu, nhưng bản thân còn nhiều trăn trở về việc lưu giữ và truyền dạy tiếng K’Ho cho đồng bào mình, cho những người cán bộ và những người yêu quý văn hóa của chúng tôi. Vì vậy, tôi tiếp tục vận động để dạy cho bà con trong thôn, xóm biết cách viết, cách nhận diện mặt chữ, để chính họ là người bảo tồn chữ viết mẹ đẻ”, già Păng Ting Uốk nói.

Theo sắp xếp của ngành giáo dục, chương trình học tiếng K’Ho trong thời gian 6 tháng, học viên sẽ được trang bị những kiến thức cơ bản về ngôn ngữ, văn hóa dân tộc K’Ho; kỹ năng nghe, nói, đọc, viết và thực hành giao tiếp tại địa phương có người dân tộc K’Ho đang sinh sống. Gần 20 năm qua, hàng ngàn lượt cán bộ, học viên đã được học tiếng K’Ho một cách bài bản, khoa học.

Bảo tồn văn hóa bản địa

Việc thực hiện nhiệm vụ truyền dạy tiếng K’Ho trong mấy chục năm qua của già Păng Ting Uốk và đồng nghiệp đã đạt được những kết quả rõ rệt. Học viên là cán bộ, viên chức biết sử dụng tiếng K’Ho dễ dàng giao tiếp với đồng bào, thực hiện tốt các công tác như chăm sóc y tế, giáo dục, an ninh trật tự, tuyên truyền, vận động đồng bào trên địa bàn chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, từ đó, nâng cao hiệu quả công tác, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong công việc.

“Trong quá trình dạy học, tham gia chuyển hóa ngôn ngữ, chúng tôi đã rất nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung tài liệu để giúp học viên thuận lợi hơn trong việc mở rộng vốn từ theo các nhóm tộc người, cập nhật đời sống xã hội và tiếp cận rộng hơn, sâu hơn các nền văn hóa theo ngôn ngữ được học. Bên cạnh đó, chúng tôi còn sưu tầm một số phong tục tập quán, bài ca cổ hoặc phương châm, châm ngôn, ca dao tục ngữ, đối đáp hai bên… sau đó viết ra thành tiếng K’Ho để truyền tải đến học viên những nét đặc trưng nhất của dân tộc mình”, già Păng Ting Uốk chia sẻ.

Đối với già Păng Ting Uốk, việc dạy tiếng K’Ho vừa là niềm vui, vừa là trách nhiệm truyền thụ ngôn ngữ, văn hóa, phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc mình cho thế hệ sau, từ đó tạo nên sự giao thoa văn hóa đặc sắc giữa các dân tộc.

Đến nay, dù tóc đã bạc, nhưng già Uốk vẫn ngày đêm miệt mài soạn giáo án, lên giảng đường, hay thậm chí tổ chức các lớp học tiếng K’Ho tại nhà trong hẻm nhỏ ở tổ dân phố Đăng Gia, thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương. Không chỉ truyền dạy tiếng K’Ho, ông còn tích cực vận động, khuyến khích học sinh dân tộc thiểu số trong vùng đến trường, tỷ lệ học sinh bỏ học giữa chừng giảm dần, nhiều gia đình đầu tư cho con em theo học các trường đại học, cao đẳng, học nghề…

“Chúng tôi nhận ra rằng, bản thân những cháu nhỏ người K’Ho sinh ra thường chỉ giao tiếp với thành viên trong gia đình bằng tiếng nói, cho nên chúng tôi cũng cố gắng truyền dạy mở rộng các đối tượng là chính con em của dân tộc mình, vì tiếng K’Ho chưa được giảng dạy chính thức trong trường phổ thông”, già Păng Ting Uốk tâm sự.

Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Lâm Đồng Dơ Woang Ya Gương chia sẻ: “Già Uôk không chỉ là người thầy, người cán bộ tiêu biểu mà ông còn là người có ngôn ngữ và văn hóa về vùng đồng bào dân tộc thiểu số rất đa dạng, phong phú. Ông chuyển hóa ngôn ngữ từ một công cụ, phương tiện giao tiếp thành chất liệu của tình yêu đối với con người, vùng đất và văn hóa Tây Nguyên.

Chính vì vậy, mỗi buổi học tiếng tại nhà ông hay cơ sở, học viên không đơn thuần được rèn luyện các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết mà còn được tiếp cận những điều mới mẻ về cách nghĩ, lối sống và truyền thống văn hóa của bao lớp người trên cao nguyên. Hầu hết những thế hệ truyền nhân sau này của ông cũng đã thể hiện được phần nào những kiến thức ấy trong việc vận dụng vào đời sống thực tiễn”.

Theo báo cáo quản lý nhà nước về di sản văn hóa, hoạt động quảng cáo trên địa bàn của Sở VH-TT-DL tỉnh Lâm Đồng mới đây, có khoảng 152.000 người K’Ho sinh sống tại Lâm Đồng, tập trung chủ yếu ở các huyện Lạc Dương, Lâm Hà, Đức Trọng, Di Linh và TP Đà Lạt với nghề truyền thống chủ yếu là nông nghiệp (trồng rau, hoa, lúa nương…), một số nhóm làm nghề thủ công.

Sài gòn Giải phóng

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC