Mượt mà làn điệu Khắp Nôm
Thứ ba, 15:17, 17/10/2023 Dân tộc và Phát triển Dân tộc và Phát triển
VOV4. “Khắp Nôm” tức là hát Nôm, câu hát giàu chất trữ tình, lời ca trau chuốt mượt mà làm người nghe say đắm, ẩn chứa trong lời ca là những giá trị văn hóa đặc trưng, nhân văn sâu sắc của cộng đồng người Tày ở huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai.

 

Về với cái nôi của Khắp Nôm

“Khắp Nôm còn gọi là Khắp Tay có nghĩa là hát của người Tày, là làn điệu hát dân ca cổ của người Tày huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai. Có nhiều loại hình Khắp Nôm, nhưng cơ bản có 3 loại. Đó là  Khắp Nôm đơn (kiểu hát một người, kiểu hát tự sự), Khắp Nôm đôi (kiểu hát hai người, có thể một nam- một nữ hát đối đáp giao duyên) và Khắp Nôm đông người (kiểu hát có đông người tham gia). Trong đó, kiểu hát nhiều người, có khi hát kéo dài 3 ngày 3 đêm không hát hết lời, chưa phân thắng thua vì vốn văn hóa và đặc biệt là lời khắp ứng tác tài tình ngay tại cuộc hát…”, Ngệ nhân Ưu tú Hoàng Thị Quanh ở xã Làng Giàng, huyện Văn Bàn cho biết.

Nội dung và hình thức Khắp Nôm đa dạng và phong phú, lời ca mượt mà thắm đượm trữ tình, ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước, bản chất chăm chỉ của người Tày… Người Tày chia Khắp Nôm thành hát dân ca sinh hoạt hằng ngày và hát dân ca nghi lễ. Trong đó, hát dân ca sinh hoạt hằng ngày với các bài như: Khắp chúc mừng năm mới, Khắp Chấm Chiêng, Khắp mời rượu, Khắp 12 mùa hoa kể đến từng tháng trong năm… Hát nghi lễ thì có các bài như: Khắp  xin đón dâu, khắp mừng nhà mới… Tham gia vào cuộc hát gồm có các cụ cao niên, trung niên và thanh niên. Khi hát người Tày dùng cây đàn tính và chùm chuông nhạc, sáo hoặc trống làm nhạc đệm cho bài hát thêm mượt mà. Thời gian mở các cuộc hát thường vào dịp lễ tết, lễ hội xuống đồng, hát trong đám cưới, mừng nhà mới, hát khi thu hoạch lúa mới…

Sống trong không gian tràn ngập làn điệu Khắp Nôm, nên ngay từ nhỏ các cháu, các em đã được ông bà, bố mẹ dạy cho bài hát, cách thức hát… Chính vì vậy, khi lớn lên hầu hết các em đã thành thạo lời Khắp, thanh niên nam nữ đến tuổi cập kê dùng lời ca tiếng hát để thể hiện mình, tìm người thương.

Phát huy giá trị của Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Khắp Nôm của người Tày có nhiều ý nghĩa về giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật…và sức sống của nét văn hóa này trong cộng đồng người Tày huyện Văn Bàn được duy trì, bảo tồn bao đời nay.

Những câu Khắp Nôm trau truốt, mượt mà, tinh tế, là cơ sở để nhận diện giá trị nghệ thuật đặc sắc vốn có ban đầu với sự phát triển của nó theo thời gian. Trong đó, Hát ru thường hát trong một không gian yên tĩnh để ru trẻ ngủ. Ca từ trong những câu hát này thường nhẹ nhàng, ca ngợi, khuyên nhủ với những ước vọng tốt đẹp.

Hát hai người có thể là một trai một gái hát đối giao duyên, trao đổi tâm tình, cũng có thể hát đối giữa hai người con gái hoặc hai người con trai với nhau để tranh tài qua cách ứng diễn cho các vế hát mà đối phương đưa ra. Tùy theo chủ đề đối phương ra, mà bên kia đáp lại, cho phù hợp. Đặc biệt, trong cách hát đối ứng diễn xuất này được thể rất rõ trong nghi lễ hát đám cưới. Đó là cách hát đối của ông mối bà mối giữa hai bên nhà gái nhà trai với nhau: Hát xin giảm lễ vật, hát xin dâu về nhà chồng… Tất cả đều mong cho các con hạnh phúc. Câu hát ở đây còn mang tính giáo dục khi con gái đi làm dâu bên chồng phải biết đạo nghĩa vợ chồng, hiếu thảo với cha mẹ chồng và biết cách dạy con cái. Con rể phải biết trân trọng yêu thương vợ mình… Dù trong bất cứ hoàn cảnh hát đối trực diện nào, Khắp Nôm của người Tày đều hết sức đa dạng về chủ đề và phong phú về ca từ, hàm chứa nhiều ý nghĩa nhân văn sâu sắc.

Năm 2018, Khắp Nôm Tày đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đó chính là niềm vinh dự, tự hào của cộng đồng người Tày huyện Văn Bàn.

Đưa Khắp nôm vào dạy cho học sinh

Xác định văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, của cộng đồng các dân tộc nói chung và của cộng đồng dân tộc Tày huyện Văn Bàn nói riêng, huyện đã xây dựng đề án bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, khuyến khích thành lập các đội văn nghệ và hằng năm tổ chức liên hoan Khắp Nôm trên địa bàn toàn huyện. Trong đó, các xã đã thành lập được 12 câu lạc bộ Khắp Nôm. Vai trò nòng cốt để bảo tồn Khắp Nôm chính các nghệ nhân, những người am hiểu và giỏi các bài hát. Phát huy vai trò của nghệ nhân, họ còn có nhiệm vụ trao truyền cho thế hệ trẻ cách thức diễn xướng, đồng thời Khắp Nôm trong các cuộc liên hoan, sinh hoạt văn hóa phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương, đưa Khắp Nôm vào trường học dạy cho học sinh. Đây cũng là cơ hội các nghệ nhân Tày thể hiện giá trị văn hóa của mình, trao truyền, bảo tồn di sản của dân tộc cho lớp trẻ và cống hiến cho giá trị văn hóa chung của địa phương. Khích lệ tinh thần giữ gìn bản sắc văn hóa tộc người một cách tốt nhất, trường tồn nhất.

Dân tộc và Phát triển

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC