Nghệ nhân A Lip - Người truyền lửa đam mê cho lớp trẻ dân tộc Ba Na
Thứ ba, 12:45, 30/01/2024 Hoàng Qui/VOV Tây Nguyên Hoàng Qui/VOV Tây Nguyên
VOV4.VOV.VN - Từ khi còn niên thiếu, Nghệ nhân A Lip, dân tộc Ba Na, thôn Groi, xã Glar, huyện Đak Đoa, Gia Lai đã biết đánh chiêng, làm đàn, tạc tượng gỗ và chỉnh chiêng. Nay tuổi đã xế chiều, ông vẫn từng ngày nỗ lực truyền dạy cồng chiêng, âm nhạc dân gian cho thế hệ trẻ.

 

Được cán bộ Văn hóa xã Glar dẫn đường, chúng tôi tìm tới nhà nghệ nhân A Lip ở thôn Groi, xã Glar, huyện Đăk Đoa. Ngay khi tới cổng nhà đã nghe tiếng chiêng ngân vang. Nhiều năm trở lại đây, nhà của ông A Lip đã trở thành nơi dạy đánh chiêng cho lũ trẻ trong thôn.

Theo nghệ nhân A Lip, các thế hệ trong gia đình ông đều biết đánh chiêng, chỉnh chiêng. Từ thuở bé, ông được cha địu trên vai tham gia vào các lễ hội của làng. Lên 11 tuổi, A Lip đã chơi thành thạo các bài chiêng truyền thống của người Ba Na như Lễ mừng lúa mới, Lễ cúng nước giọt, Lễ bỏ mả. Sau này cha mất, A Lip kiên trì với bảo tồn cồng chiêng cùng nghệ thuật diễn tấu.

Ông sưu tập được 10 bộ chiêng quý, sau khi tặng họ hàng một số bộ và một phần bị thất lạc, nay còn 3 bộ. Ông thường diễn tấu khi giao lưu văn hóa, mỗi kỳ lễ hội và nhiều nhất là để dạy cho các cháu nhỏ ở trong làng.

“Hồi xưa vui lắm, lúc còn bé chứng kiến các lễ ăn tháng, bỏ mả là lúc nào cũng phải cần có bộ chiêng, múa xoang vui chơi thỏa thích. Lúc ấy là con trai ai cũng muốn được đánh chiêng, coi đó là vinh dự. Ngày ấy vui là thế nhưng bây giờ cuộc sống phát triển, không ai dạy chỉ sợ bọn trẻ con quên đi nên phải cố gắng truyền dạy lại cho lớp trẻ”. - Nghệ nhân A Lip chia sẻ.

Với những nỗ lực mở các lớp dạy về cồng chiêng của nghệ nhân A Lip, âm thanh cồng chiêng ở làng Groi đã rộn rã trở lại. Đến nay, làng Groi có 2 đội chiêng, đội chiêng lớn gồm 21 người, từ 23 - 70 tuổi. Đội chiêng nhí gồm 20 người, từ 6 tuổi đến 12 tuổi. Các đội chiêng của làng thường được mời đi biểu diễn trong các dịp lễ hội, sự kiện quan trọng của khu vực Tây Nguyên và toàn quốc.

Em Đinh Phát, 12 tuổi, thôn Groi là một trong số những em nhỏ trong đội chiêng nhí tâm sự: sau mỗi buổi chiều học xong em cùng các bạn lại sang nhà ông A Lip học đánh chiêng. "Chúng cháu vui lắm vì được đi diễn tấu cùng người lớn ở nhiều nơi, gặp đông đảo mọi người. Cháu mong muốn sau này lớn lên sẽ đánh giỏi cồng chiêng". - Em nói.

Nhiều năm nay, Nghệ nhân A Líp còn phối hợp với nhiều trường học trên địa bàn các xã như Glar, Ia Pết, ADơk, thuộc Đăk Đoa và nhiều huyện lân cận để dạy cho khoảng 200 em học sinh biết đánh chiêng.

Mấy năm nay, nhà trường luôn có đội cồng chiêng nhí 20 em học sinh là học trò của Nghệ nhân A Lip. Hàng năm, đội tuyển cồng chiêng của nhà trường luôn có thành tích cao trong các cuộc thi văn hóa do huyện, tỉnh tổ chức.

“Nhà trường thấy già A Lip có tâm huyết rất lớn đối với lưu giữ và bảo tồn văn hóa, bản sắc dân tộc Ba Na ở địa phương. Nhà trường rất ghi nhận sự đóng góp của ông, ông tập cho học sinh trên tinh thần hỗ trợ để gìn giữ chứ không đòi hỏi một chế độ nào của trường”. - Ông Nguyễn Văn Hùng, hiệu trưởng Trường Tiểu học số 1 Glar cho biết.

Với những đóng góp của mình, nhiều năm qua, nghệ nhân A Lip đã nhận được nhiều Bằng khen, Giấy khen của các cấp từ Trung ương đến địa phương. Gần đây nhất, vào năm 2019, ông được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực nghệ thuật trình diễn dân gian.

Bà Giang H’hom, Phó chủ tịch UBND xã Glar bày tỏ: “Nghệ nhân A Lip đã đem hết sức, hết lòng của mình để truyền dạy cho con cháu, và đã có những thành công trong các sự kiện lớn của tỉnh, huyện để gìn giữ bản sắc văn hóa để không mai một. Ông cũng là con người sống rất tình làng nghĩa xóm, được bà con quý mến, đám trẻ con rất quý ông. Chính quyền rất cảm ơn ông vì đã có những cống hiến cho văn hóa như dạy cồng chiêng, đàn t’rưng, đàn gong… để lưu giữ bản sắc văn hóa của người Ba Na".

Tuy tuổi đã 60, sức khỏe không được như trước, thế nhưng nghệ nhân Ưu tú A Lip vẫn cần mẫn lao động sản xuất. Trên những nẻo đường nông thôn, mọi người vẫn thường thấy hình ảnh ông giáo già cùng chiếc xe máy cũ chở theo những bộ chiêng đi dạy cho trẻ ở những miền xa.

Hoàng Qui/VOV Tây Nguyên

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC