Nhà mồ và quan niệm về cái chết của người Gia Rai
Thứ ba, 16:13, 03/10/2023 Thu Cúc/VOV4 Thu Cúc/VOV4
VOV4.VOV.VN - Với người Gia Rai, nhà mồ sẽ được dựng khi làm lễ bỏ mả - nghi lễ cuối cùng chia tay với người chết đi sang thế giới bên kia.

 

Người Gia Rai quan niệm: chết không phải là hết mà là chuyển sang sống ở một thế giới khác – thế giới của ông bà tổ tiên.

Họ tin vạn vật đều có linh hồn, con người cũng vậy. Khi chết, “hồn” người biến thành “ma”. Hàng ngày, người thân của người chết phải đem cơm nước đến mả người chết “nuôi ma”.

Chỉ sau khi làm lễ bỏ mả, tức pơ thi hồn người chết mới đi về với thế giới ông bà, chấm dứt mọi ràng buộc với người sống. Sau một quá trình vận động của “làng ma”, “ma” người chết sẽ quay trở lại, đầu thai trở lại kiếp người trên trần gian.

Làm nhà mồ trong lễ bỏ mả chính là chuẩn bị một cuộc sống mới cho người chết. Khi ấy, người Gia Rai sẽ tạc, điêu khắc rất nhiều tượng xung quanh ngôi nhà mồ này.

Người Gia Rai có nhiều nhánh địa phương. Mỗi nhánh lại có cách dựng nhà mồ với kiểu dáng khác nhau.

Người Jrai Mơthur ở Ayunpa có nhà mồ nhìn xa như một cây rơm. Nhà mồ nhóm Jrai Hđrung ở Pleiku lại cho người xem liên tưởng đến ngôi nhà rông cao vút.

Nhóm Jrai Arap lại thiết kế nhà mồ kéo dài và rất nhiều tượng dựng xung quanh. Tượng điêu khắc bằng gỗ với đa dạng hình người, hình nam nữ với nhiều sắc thái: người ôm mặt buồn, tượng ôm mặt khóc, tượng mẹ bồng con, tượng phô bày sinh thực khí, hoặc tượng nam nữ giao hoan, tượng hài nhi, tượng người đàn bà mang thai… Thể hiện ý nghĩa phồn thực, ý nghĩa sinh sôi nảy nở để trở lại kiếp người luân hồi.

Bên cạnh đó, trên nhà mồ người ta cũng tạo những hoa văn cảnh người đánh chiêng, đánh trống, múa xoang, hình con voi, con chim… Đó chính là “buôn làng của người chết” do gia đình, bà con trong làng cùng những nghệ nhân tài hoa người Jrai tạo nên.

Tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, nhà mồ được phục dựng theo đúng truyền thống của người Jrai.

Thu Cúc/VOV4

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC