Với 25 nhóm, ngành dân tộc cùng 41 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia và 2 di sản đại diện nhân loại, Lào Cai là một trong những địa phương có truyền thống văn hóa độc đáo, giàu bản sắc, cũng như sở hữu nhiều di sản văn hóa hàng đầu cả nước. Công tác bảo tồn, gìn giữ văn hóa đang được địa phương đẩy mạnh, gắn với nhiều lĩnh vực, ở nhiều môi trường khác nhau. Những cách làm hay, sáng tạo trong việc giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số tại Lào Cai đã mang lại những kết quả tích cực.
Mục tiêu kép
Bảo tồn văn hóa gắn với phát triển du lịch đang được coi là hướng đi bền vững, giúp Lào Cai hiện thực hóa “mục tiêu kép”, vừa gìn giữ nét đẹp truyền thống các dân tộc, vừa mang đến trải nghiệm mới lạ cho du khách, thúc đẩy du lịch phát triển, góp phần nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo.
Tranh thủ những lúc nông nhàn, bà Giàng Thị Chỉnh, thôn Hòa Sử Pán 1, xã Mường Hoa, thị xã Sa Pa, cùng những người phụ nữ Mông ở trong thôn may, thêu trang phục truyền thống. Trang phục được làm hoàn toàn thủ công và qua nhiều công đoạn, từ trồng lanh, se sợi, dệt, tạo hoa văn, đến nhuộm màu và tạo hình bằng sáp ong. Mỗi công đoạn đều đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ từ bàn tay của người phụ nữ. Bà Chỉnh cho biết, ở Mường Hoa, nghề may, thêu truyền thống được phụ nữ nâng niu và gìn giữ qua nhiều thế hệ. Các trang phục truyền thống của người Mông ở Sa Pa đang được địa phương lựa chọn trở thành những sản phẩm đặc trưng của địa phương, góp phần phát triển du lịch.
Trong dịp lễ 30/4-1/5 vừa qua, chị Caryln, một du khách người Anh đặc biệt ấn tượng với bức tường thổ cẩm xuất hiện trong Lễ hội Ẩm thực Mường Hoa - một trong những hoạt động trong khuôn khổ Lễ hội mùa Hè của Sa Pa năm 2024. "Họa tiết thực sự rất đẹp. Mọi người giới thiệu các hoa văn này đều được vẽ bằng sáp ong, tôi nhất định sẽ tìm hiểu cách người dân tạo ra các họa tiết đó", chị Caryln nói.
Ông Tần A Lềnh, Chủ tịch UBND xã Mường Hoa cho biết, địa phương coi việc giữ gìn bản sắc vắn hóa dân tộc vừa là trách nhiệm, vừa là một trong những giải pháp để thu hút khách du lịch đến với địa phương. Do đó, xã đã có những chính sách khuyến khích và tạo điệu kiện cho người dân mở các lớp thêu thổ cẩm để giữ gìn nghề may, thêu truyền thống.
Cùng với nghề thủ công truyền thống, thông qua các lễ hội, giá trị văn hóa của cộng đồng các dân tộc tại Lào Cai được phát huy, có sức lan tỏa mạnh mẽ, trở thành biểu tượng của tinh thần đoàn kết các dân tộc.
Lễ hội đua ngựa huyện Bắc Hà được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia năm 2021, là một mảnh ghép quan trọng trong hoạt động văn hóa du lịch tại Lào Cai. Lễ hội diễn ra vào thời điểm giữa tháng 6 hằng năm, thu hút hàng vạn du khách thập phương đến tham quan, trải nghiệm. Những chú ngựa đến từ nhiều địa bàn vùng cao ở Lào Cai và Hà Giang gắn chặt với cuộc sống lao động, sản xuất, vận chuyển hàng hóa thường nhật của người vùng cao khi trở thành những chiến mã, đã mang đến cho du khách nhiều cung bậc cảm xúc.
Đại diện lãnh đạo UBND huyện Bắc Hà cho biết, địa phương đã xây dựng Đề án để bảo tồn và phát triển đàn ngựa, đồng thời duy trì giải đua ngựa truyền thống trở thành một sản phẩm du lịch độc đáo với thương hiệu riêng có, nhằm thu hút du khách đến với Bắc Hà và nhớ về Bắc Hà nhiều hơn.
Nhiều cách làm hay
Trong xã hội hiện đại, nhiều nét đẹp văn hóa đặc trưng của đồng bào các dân tộc đang đứng trước nguy cơ bị mai một. Để hạn chế tình trạng này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Giàng Thị Dung cho biết, địa phương đã tích cực, chủ động bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc bằng nhiều giải pháp và bước đầu cho thấy hiệu quả rõ rệt..
Điền hình, từ năm 2021 – 2023, tỉnh Lào Cai đã tổ chức hơn 30 lớp trao truyền kỹ năng, kỹ thuật cách thức tạo ra y phục, hoa văn truyền thống của các dân tộc trên địa bàn tỉnh bằng phương pháp trao truyền, bảo tồn sống trong cộng đồng, lấy nghệ nhân của cộng đồng truyền dạy lại cho người dân tại địa phương; xây dựng được 6 mô hình bảo tồn mẫu hoa văn, trang sức, trang phục dân tộc.
Đặc biệt, Lào Cai đang dành nhiều nguồn lực để phục dựng lại nhiều lễ hội, với sự cố vấn của nhiều nghệ nhân, những chuyên gia trong lĩnh vực nghệ thuật, đặc biệt là sự tham gia của đông đảo người dân thuộc các dân tộc của địa phương. Đến nay, tỉnh đã khôi phục được toàn bộ hệ thống lễ hội ở các dân tộc ít người với gần 50 nghi lễ, lễ hội; kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể của tất cả nhóm, ngành dân tộc ở 500 làng, bản...
Từ đây, các lễ hội, vốn là biểu tượng văn hóa tâm linh gói gọn trong một tộc người hay một địa bàn, đã trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước như: Lễ hội Đền Thượng ở thành phố Lào Cai; Lễ hội đền Bảo Hà (huyện Bảo Yên); Lễ hội "Gầu tào" ở xã Pha Long (Mường Khương); Lễ hội "Roóng poọc" của người Giáy ở xã Tả Van (Sa Pa); Lễ hội Khu Già Già (Bát Xát)...
Bên cạnh đó, tại nhiều thôn bản vùng cao, các địa phương đã bố trí kinh phí hỗ trợ thành lập đội văn nghệ nhằm truyền bá các loại hình âm nhạc, diễn xướng, hòa tấu nhạc cụ dân gian. Các đội văn nghệ duy trì tập luyện thường xuyên và sinh hoạt lồng ghép các hoạt động một tháng/lần. Theo Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Bảo Thắng, thời gian qua, huyện đã lồng ghép các nguồn vốn trong các chương trình mục tiêu quốc gia để hỗ trợ phục dựng các đội văn nghệ, động viên nhân dân góp sức bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa.
Việc bảo tồn giá trị văn hóa không chỉ dừng lại ở cơ sở, nhiều trường học ở Lào Cai đã khéo léo lồng ghép các nội dung này vào hoạt động ngoại khóa, giúp học sinh thêm yêu và tự hào về văn hóa dân tộc mình.
Điển hình như Câu lạc bộ thêu tay của Trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học Cơ sở và Trung học Phổ thông huyện Bát Xát, được thành lập từ năm học 2017-2018. Trong gần 6 năm, Câu lạc bộ đã thực hiện nhiều sản phẩm, góp phần giữ gìn và tạo bản sắc riêng cho nhà trường như: biển lớp, các bộ thư pháp song ngữ, khẩu hiệu trong lớp học..., đều được thành viên Câu lạc bộ thêu tay hoàn toàn trên nền vải thổ cẩm.
Thầy Lê Huy Phú, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, Câu lạc bộ có một số sản phẩm đã đạt giải cao tại các cuộc thi sáng tạo trong ngành Giáo dục và Đào tạo; trở thành sân chơi bổ ích, góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, đồng thời tạo nên bản sắc riêng của nhà trường. Đặc biệt, năm 2023, tấm tranh thêu thổ cẩm “Trường học vùng cao”, sản phẩm đặc biệt của Trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học Cơ sở và Trung học Phổ thông huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai đã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam trao bằng Xác lập kỷ lục Việt Nam cho tấm tranh thêu thổ cẩm lớn nhất do các nữ sinh Trung học phổ thông thực hiện.
Mới đây nhất, vào trung tuần tháng 4/2024, Lào Cai lần đầu tiên phát động Tuần lễ trang phục truyền thống các dân tộc tỉnh Lào Cai, thể hiện quyết tâm khơi dậy niềm tự hào của nhân dân đối với trang phục truyền thống. Tuần lễ đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, học sinh, sinh viên và các tầng lớp nhân dân./.
Viết bình luận
Tin liên quan
Đặc sắc nhạc cụ của người Mông ở Lào Cai
VOV4.VOV.VN - Người Mông ở huyện Si Ma Cai và huyện Bắc Hà, Lào Cai có nhiều nhạc cụ phong phú đa dạng về chủng loại. Trong đó phải kể đến: khèn, sáo, kèn lá, kèn môi (hay còn gọi là đàn môi), nhị, pí lè, trống, chiêng… Mỗi loại nhạc cụ biểu thị một dạng âm thanh riêng biệt nhưng luôn gắn với đời sống văn hóa tinh thần, tâm linh của cộng đồng. (Chương trình giao lưu văn hóa các dân tộc Việt Nam ngày 21/4/2024).
Đặc sắc nhạc cụ của người Mông ở Lào Cai
VOV4.VOV.VN - Người Mông ở huyện Si Ma Cai và huyện Bắc Hà, Lào Cai có nhiều nhạc cụ phong phú đa dạng về chủng loại. Trong đó phải kể đến: khèn, sáo, kèn lá, kèn môi (hay còn gọi là đàn môi), nhị, pí lè, trống, chiêng… Mỗi loại nhạc cụ biểu thị một dạng âm thanh riêng biệt nhưng luôn gắn với đời sống văn hóa tinh thần, tâm linh của cộng đồng. (Chương trình giao lưu văn hóa các dân tộc Việt Nam ngày 21/4/2024).
Phong tục cưới hỏi của người Giáy ở Lào Cai
VOV4.VOV.VN - Đối với dân tộc Giáy ở Lào Cai, chuyện trăm năm của con cái được các gia đình hết sức quan tâm. Trước đây cũng như hiện nay, nam nữ người Giáy đến tuổi trưởng thành được tự do tìm hiểu bạn đời. Khi duyên tình đã thắm nồng, chàng trai về báo cáo với gia đình để chuẩn bị tiến hành các nghi lễ. (Chương trình Tìm hiểu các Dân tộc Việt Nam ngày 22/3/2024).
Phong tục cưới hỏi của người Giáy ở Lào Cai
VOV4.VOV.VN - Đối với dân tộc Giáy ở Lào Cai, chuyện trăm năm của con cái được các gia đình hết sức quan tâm. Trước đây cũng như hiện nay, nam nữ người Giáy đến tuổi trưởng thành được tự do tìm hiểu bạn đời. Khi duyên tình đã thắm nồng, chàng trai về báo cáo với gia đình để chuẩn bị tiến hành các nghi lễ. (Chương trình Tìm hiểu các Dân tộc Việt Nam ngày 22/3/2024).
Kiến trúc nhà ở của người Giáy tại Lào Cai
VOV4.VOV.VN - Tại Lào Cai, đồng bào Giáy sống tập trung ở các huyện: Bát Xát, Mường Khương, Văn Bàn, thị xã Sa Pa và thành phố Lào Cai. Họ thường sống thành từng bản làng, nơi có địa hình tương đối bằng phẳng, dọc dòng sông, con suối để thuận tiện canh tác lúa nước, chăn nuôi gia súc, gia cầm, đào ao thả cá. Từ bao đời nay, ngôi nhà đóng vai trò rất quan trọng trong đời sống sinh hoạt cũng như tín ngưỡng của người Giáy. (Chương trình tìm hiểu các Dân tộc Việt Nam ngày 15/03/2024)
Kiến trúc nhà ở của người Giáy tại Lào Cai
VOV4.VOV.VN - Tại Lào Cai, đồng bào Giáy sống tập trung ở các huyện: Bát Xát, Mường Khương, Văn Bàn, thị xã Sa Pa và thành phố Lào Cai. Họ thường sống thành từng bản làng, nơi có địa hình tương đối bằng phẳng, dọc dòng sông, con suối để thuận tiện canh tác lúa nước, chăn nuôi gia súc, gia cầm, đào ao thả cá. Từ bao đời nay, ngôi nhà đóng vai trò rất quan trọng trong đời sống sinh hoạt cũng như tín ngưỡng của người Giáy. (Chương trình tìm hiểu các Dân tộc Việt Nam ngày 15/03/2024)
Độc đáo lễ cấp sắc 12 đèn của người Dao đỏ Lào Cai
VOV4.VOV.VN - Lễ cấp sắc 12 đèn của người Dao Đỏ ở Lào Cai là một phong tục thường diễn ra vào dịp cuối năm với những nghi thức vô cùng độc đáo.
Độc đáo lễ cấp sắc 12 đèn của người Dao đỏ Lào Cai
VOV4.VOV.VN - Lễ cấp sắc 12 đèn của người Dao Đỏ ở Lào Cai là một phong tục thường diễn ra vào dịp cuối năm với những nghi thức vô cùng độc đáo.